KTĐT - Cặp mắt đỏ hoe, khóe mắt lúc nào cũng lóng lánh những giọt nước như chỉ trực trào ra, cụ Nguyễn Văn Vinh (xã Tiên Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) bắt đầu những dòng kể đứt đoạn về nỗi tủi nhục của mình khi có con mà cũng như không.
Hơn một năm cụ sống tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Phúc Sinh (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội) nhưng đứa con trai của cụ chỉ đến thăm vài ba lần, đứa cháu nội mà cụ hết lòng yêu thì chưa một lần đặt chân tới đây thăm ông.
Thương con, quý cháu nhưng đến lúc tuổi già, cụ lại chẳng được hưởng niềm hạnh phúc đủ đầy từ gia đình, để giờ đây, đêm đêm cụ một mình run rẩy với những nỗi đau uất nghẹn.
Miếng đất tiền tỷ giẫm nát tình phụ tử
Chúng tôi đến thăm Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Phúc Sinh vào một buổi chiều không nắng, những đám mây u ám lảng vảng trên bầu trời như một dấu hiệu sắp mưa.
Và trong không khí ảm đạm đó, chúng tôi được lắng nghe những tâm sự, những phút trải lòng rất thật của những cụ ông, cụ bà đang được chăm sóc tại trung tâm. Mỗi người, mỗi cảnh, 100 con người là 100 mảnh đời khác biệt.
Họ đều đã già cả, nhiều cụ coi trung tâm chính là nơi để nương tựa phần cuối của cuộc đời. Trong số những câu chuyện được mắt thấy tai nghe ở đây, để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là trường hợp của cụ Nguyễn Văn Vinh.
Năm nay cụ Vinh đã 87 tuổi, cái tuổi lẽ ra được an hưởng tuổi già trong sự sum họp, quần tụ với cháu con, với thú vui tuổi già… Song cụ lại rơi vào hoàn cảnh đau khổ, khi luôn đau đáu nỗi lòng về đứa con trai và đứa cháu nội bất hiếu.
Cụ chỉ có một người con trai độc nhất. Có lẽ vì vậy mà cụ luôn yêu chiều và dành hết tình cảm của mình cho con. Nhưng càng lớn, con trai cụ càng ham thích chơi bời lêu lổng. Dù vậy, cụ vẫn muốn con trai có một nghề nghiệp ổn định nên không tiếc thời gian, công sức thậm chí là tiền bạc mà cả đời dành dụm để tìm cho nó một công việc tốt.
“Để làm ông lão này đỡ bực mình, nghề gì nó cũng học, có khi còn học ra ngành ra nghề hẳn hoi nhưng cuối cùng không có nghề nào trụ lại được. Nó cũng làm hết cán bộ này, cán bộ kia rồi đấy chứ. Nào là làm cán bộ về cơ điện, làm cho truyền hình... song cuối cùng thì cũng bỏ ráo” – cụ Vinh run run khi bắt đầu kể về đứa con trai ngỗ ngược của mình.
Cụ tưởng rằng khi xây dựng gia đình, con trai sẽ thay đổi, nhưng anh ta vẫn chứng nào tật nấy. Người vợ đầu tiên của con trai cụ là một cô gái Trung Quốc rất hoạt bát, giỏi làm ăn và thương bố chồng. Họ có với nhau 5 mặt con song cuối cùng vì không chịu nổi thói ham chơi biếng làm và tính trăng hoa của chồng nên đã ly dị.
Hiện nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng con trai cụ Vinh chẳng có nghề nghiệp gì, anh ta vẫn chỉ suốt ngày 'gái gú, ăn nhậu và lêu lổng'. Có lẽ 'thành tích' nổi bật nhất khiến người khác bàng hoàng sợ hãi là chuyện anh ta vừa cưới thêm cô vợ... thứ 7, kém mình hai chục tuổi.
Trước đây, khi cụ Vinh nói bất cứ điều gì anh ta đã rất hay cãi chửi lại, hễ không hài lòng là bỏ nhà ra đi. Ít ra lúc đó cụ Vinh còn có cụ bà làm bầu bạn để chia sẻ. Cụ bà mất, con trai thường xuyên đi với gái, ngôi nhà 3 gian rộng rãi, khang trang chỉ còn trơ lại một mình cụ đêm đêm đối diện với cái bóng của chính mình.
Đi chơi thì thôi, nhưng hễ về nhà là anh con trai ngỗ ngược lại kiếm chuyện với cụ rồi hạnh họe, hạch sách việc cụ phải giao lại mảnh đất hơn 1.000m2 cho mình. Có lẽ miếng đất trị giá tiền tỷ ấy chính là sợi dây nối mỏng manh ràng buộc anh ta với cụ.
Đến tận bây giờ, khi tuổi cao sức yếu, một mình phải chống trọi với bệnh dạ dày, bệnh đau đầu và di chứng của lần tai biến mạch máu não thì anh con trai cụ vẫn hoàn toàn dửng dưng vô cảm. Một năm rưỡi nằm tĩnh dưỡng tại trung tâm nhưng số lần con trai cụ tới thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những lần tới đây, anh ta nói năng thế nào cụ đều nhớ cả, bởi nội dung cho những lần thăm viếng chớp nhoáng ấy đều đề cập đến chuyện cụ phải sang tên cho anh ta mảnh đất. Khi cụ nhất quyết không đồng ý thì anh ta không ngại dùng ngôn ngữ thô tục nhất để xúc phạm chính cha đẻ của mình.
Ngoài đứa con trai bất hiếu, điều khiến cụ day dứt nữa chính là đứa cháu trai. Cụ có cả thảy 5 đứa cháu thì có tới 4 người là gái và chỉ có duy nhất một cháu trai. Không thể xoay chuyển được đứa con trai ngỗ ngược, cụ dành hết tình thương cho cháu trai với hi vọng nó khôn lớn sẽ lo phần hương hỏa tổ tiên, song cuối cùng cụ cũng hoàn toàn thất vọng.
30 tuổi nhưng cháu trai của cụ cũng giống cha nó, chỉ thích chơi bời, chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến gia đình.
“Một lần nó bị ngã xe máy gẫy chân, tôi lấy hết cả số tiền lương hưu (lĩnh cả cục) để cho nó chữa trị. Tổng cộng cũng hết của tôi mấy chục triệu thế mà đến giờ nó có coi tôi ra gì đâu. Từ ngày tôi đặt chân vào trung tâm này, chưa lần nào nó đến thăm tôi cả” – cả người cụ run bần bật theo từng câu khó nhọc.
Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau bị chính những người mình thương yêu nhất ruồng rẫy, chà đạp?!
Cũng may là cụ còn có 4 cô cháu gái giàu tình thương. Ở trung tâm này, mỗi tháng cụ cũng cần gần chục triệu đồng để đóng tiền dịch vụ và thuốc men. Số tiền này đều do các cháu gái của cụ góp lại để nuôi ông. Những lần các cháu gái đến thăm ông nội rồi thuê taxi để đưa cụ về nhà chơi với các chắt chính là quãng thời gian ngắn ngủi mà cụ không bao giờ quên.
Đó là lúc nụ cười của cụ rạng rỡ nhất, là khoảng khắc mà ánh mắt ngập tràn u uẩn kia cũng sáng rực niềm vui.
Mong mỏi tình yêu thương dù đó là thương… hại
Hoàn cảnh cụ gia nhập trung tâm rất đau lòng. Con trai đi 'gái gú', chơi bời thường xuyên nên cụ chỉ ở nhà một mình. Một lần đang ngồi xem ti vi thì cụ đột nhiên thấy choáng váng và bị ngã gục xuống sàn nhà. Phải cố gắng lắm cụ mới bò lên bên cửa sổ để gọi người hàng xóm đưa đi cấp cứu.
Do không biết được mức độ nguy hiểm của bệnh nên phải tới 3 ngày sau cụ mới được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn. Cụ được chuẩn đoán là tai biến mạch máu não, do đưa vào viện quá muộn nên không thể chữa được các di chứng để lại như liệt mất một tay và một chân.
Thấy bố đẻ nằm viện nhưng con trai cụ vẫn chẳng mảy may một chút lòng thương, cho dù đó là lòng thương… hại. Vẻ mặt tỉnh bơ khi đến thăm cha, câu chuyện muôn thuở của anh ta với cụ vẫn chỉ xoay quanh vấn đề đất cát. Chỉ có các cô cháu gái của cụ là thay phiên nhau mà túc trực đêm hôm để chăm sóc ông nội.
Nhắc về những đứa cháu gái hiếu thảo, giọng cụ bùi ngùi: “Con trai và cháu trai thì hỏng hết rồi. Nếu không có mấy đứa cháu gái chắc tôi không sống nổi đến ngày hôm nay”.
Cụ càng đau, càng xót xa hơn khi biết tin con trai cụ nhẫn tâm lừa cả con gái ruột để lấy tiền nuôi gái: “Nó bán cả 3 gian nhà của con gái rồi nói ngọt rằng để bố cầm tiền giúp, lúc nào cần thì lấy. Ấy vậy mà nó đem hết số tiền ấy để ăn chơi và nuôi gái. Nhà có con bò sữa tôi bảo để dành cho con trai nó mà cuối cùng nó cũng đem đi bán sạch”.
Khi cụ vẫn sống chung với con trai, anh ta chẳng hề ngó ngàng gì, thỉng thoảng còn dắt gái về nhà. Cụ không bao giờ dám nghĩ rằng đứa con trai máu mủ ruột già của mình lại là đứa hư hỏng và thay vợ như thay áo. Trong số 7 người vợ của con trai, cụ chỉ yêu quý người con dâu đầu, những đứa còn lại đều là phường ăn chơi đua đòi và hám của nên cụ rất ghét.
Xót xa, tủi nhục hơn cả có lẽ là lần cụ bị chính đứa con dâu của mình lừa mất chiếc xe máy: “Nó bảo tôi cho nó mượn xe máy để đi là áo cho chồng. Tôi nhất quyết không cho mượn vì nghĩ chắc chắn rằng nó sẽ “cuỗm” mất chiếc xe. Lần thứ 2, nó bảo tôi rằng “Chồng con bảo bố cho con mượn xe máy để đi mua quần áo”. Tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ như lần đầu “mượn là mất, cất là còn” song tôi cũng muốn để con trai tôi “sáng mắt” mà nhận biết những đứa con gái hám lợi nên gật đầu cho mượn".
Đúng như dự đoán của cụ, cô ta chẳng bao giờ quay về nữa.
Người con dâu đầu của cụ giờ cũng đã kiếm tìm được hạnh phúc mới và lập nghiệp tại Móng Cái (Quảng Ninh).
Thỉnh thoảng nàng dâu cũ này vẫn vượt đường xá xa xôi đến tận trung tâm thăm cụ. Ấy thế mà con trai và cháu trai – hai người mà cụ từng thương yêu và đặt nhiều hi vọng nhất thì càng ngóng, càng trông lại càng… mất hút.
Cụ bị liệt một tay và một chân nên chẳng thể đi lại được, việc đi lại cho tới vệ sinh cá nhân đều do nhân viên của trung tâm đảm nhận. Không thể tự đi lại để giao tiếp, làm quen nên bạn bè của cụ trong trung tâm cũng chỉ có một vài người.
Phòng của cụ có hai người, nhưng ông lão ở cùng cũng đã lẩn thẩn, nên cụ cũng không thể dốc bầu tâm sự được. Có lẽ vì thế khi gặp chúng tôi, cụ luôn mải miết với những nỗi đau xé lòng.
Ở trung tâm này, cụ được chăm sóc cẩn thận, chu đáo song vẫn đau đáu nỗi nhớ nhà và hàng xóm láng giềng. Những lần cụ về thăm nhà, hàng xóm đến chơi chật kín nhà. Đó vừa là khi cụ vui nhất vừa là lúc cụ buồn nhất: “Chẳng họ hàng gì mà người ta còn đối xử có tình có nghĩa như vậy. Ngẫm ra mới thấy con trai, cháu trai coi tôi chẳng bằng người dưng”.