[“Nỗi đau” giữa đại ngàn Quỳ Châu] Bài 1: Còn đâu những màu xanh, còn đâu khoảnh rừng đang tái sinh

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứng trước nguy cơ những mảnh rừng đang tái sinh bị hủy hoại, nhiều người dân tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Hành trình theo những lá đơn ấy, chúng tôi đã ghi nhận được bao điều xót xa nơi lõi sâu của đại ngàn Quỳ Châu.

Hành trình từ lá đơn tố cáo

Xã Châu Phong thuộc huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là một xã vùng sâu, vùng xa, người dân bản địa nơi đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, nhờ sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, người dân đã có cuộc sống ấm no, đời sống tinh thần cũng ngày càng phong phú, đủ đầy hơn.

 Ông Vi Văn Phong ôm trọn gốc cây tại khoảnh rừng mà ông khẳng định năm 2003 từng được tạm giao là rừng phòng hộ xung yếu, nay đã bị xóa sổ chỉ trơ lại những vết tích gốc cây đã mục.

Gặp ông Vi Văn Phong (SN 1964, bản Lìm, xã Châu Phong) người đứng đơn cùng 6 hộ dân tố cáo bị cướp đất và rừng bị chặt phá. Theo nội dung lá đơn, ông Phong và 6 họ dân tố cáo việc anh Nguyễn Văn H. (khối 1, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu) chiếm đất lâm nghiệp và hủy hoại rừng, phá rừng trái pháp luật trên diện tích rừng của 7 hộ dân tại bản Lìm.

 Nhiều cây gỗ lớn đã bị đốt cháy trơ gốc

Ngày 8/7, tôi đã cùng ông Phong  trực tiếp đi vào vùng lõi trong cánh rừng mà các ông phản ánh trong đơn tố cáo. Sau khoảng 5 giờ đi bộ, băng qua cánh rừng ven đường Quốc lộ, vào sâu vùng lõi mới thấy thực trạng hoang tàn của rừng nơi đây. Tận mắt và bước đi trên những mảnh rừng chỉ còn trơ trụi màu đen kịt vì bị đốt... Hiện hữu từ dãy núi này đến dãy núi khác là những mảng màu đen kịt, loang lổ là hậu quả sau các trận lửa lớn, cây cối bị cắt gọt, chỉ còn trơ trọi gốc, thảm thực vật cũng chẳng thể sống nổi.

 Những cây gỗ đã bị đốn hạ, cắt xẻ, bị đốt cháy nằm trơ trọi giữa lớp cây keo mới trồng

Từ chân đập của nhà máy thủy điện Nậm Pông (nằm trên đất của xã Châu Hạnh và Châu Phong) đi vào sâu trong rừng, thi thoảng trên con đường độc đạo xuyên rừng ấy, chúng tôi vẫn bắt gặp những khoảnh rừng vẫn còn cây gỗ có gốc to bằng ba bốn người ôm còn sót lại tại vùng núi Huôi Long. Trên con đường qua đỉnh Huôi Long, cách con suối nhỏ không xa, nhiều cây gỗ khá lớn đứng sừng sững cạnh con đường dẫn vào rừng sâu. Theo những người đi cùng, những cây gỗ đó có tuổi đời hàng chục và hàng trăm năm...và  là khu rừng mà nhà ông Lô Dũng được tạm giao từ năm 2003.

Tiếp tục hành trình, qua khu vực đỉnh đồi khá dài, người dân nơi đây gọi khu vực này là núi khe Tà Pé giáp với núi Huôi Mạt. Ôm một gốc cây, ông Phong bảo: "Những cây lớn như này trước đây ở đây nhiều lắm, nhưng nay bị hạ hết rồi, trơ gốc, chú xem có xót không. Họ trồng keo tràm, họ chặt hạ rồi chú ạ."

[“Nỗi đau” giữa đại ngàn Quỳ Châu] Bài 1: Còn đâu những màu xanh, còn đâu khoảnh rừng đang tái sinh - Ảnh 4
 Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ.

Ông Phong cũng cho biết, khu vực này, năm 2003, gia đình ông Phong, ông Châu và ông Chương được tạm giao đều là rừng phòng hộ xung yếu. Nhưng mấy năm qua bị chặt phá, giờ người ta còn lấy cả đất mà ông được giao để cho hộ khác trồng keo tràm. Đi sâu vào khu vực Huôi Mạt, tôi khá bất ngờ khi cả một khoảnh rừng lớn chỉ còn trơ lại những gốc cây cổ thụ hoặc thân cây lớn đã cháy rụi, nằm xen kẽ dưới lớp cây tràm vừa được trồng khoảng chừng 2 năm trở lại đây. Men theo con đường nhỏ vào khu vực đó có 4 ngôi nhà sàn, người dân gọi là lán tạm ở để làm rừng.

 Những cây gỗ bị đốt cháy nằm trơ trọi trong rừng keo mới trồng

Còn đâu những mảnh rừng xanh?

Hơn 5 giờ sáng ngày hôm sau, con trai ông Phong là Vi Văn Phi dẫn tôi vào trong một vùng núi khá sâu. Đi được khoảng 2 km đường rừng, Phi chỉ tôi khu vực từng bị người ta cưa cây ra từng khúc ngắn rồi đốt làm than củi ngay trong rừng. Ngoài chiếc hố sâu đen trơ trọi, vẫn còn các khúc gỗ ngắn nằm chỏng chơ gần miệng hố đốt vì chưa được cháy hết. Theo lời Phi kể, hơn 1 năm về trước người ta hạ cây gỗ, rồi cắt từng khúc ngắn khoảng 2m và chất lên hố đào sẵn đốt thành than củi sau đó được vận chuyển ra khỏi rừng. Đất trống sẽ được thay thế bằng việc trồng mới cây keo. Do đất ở đây khá tốt, ẩm ướt nên keo nhanh lớn, trong vài năm đã che phủ được, nhưng vẫn còn vết tích là những gốc gỗ lớn đen kịt và các cây gỗ cháy đen nằm dưới hàng cây keo.

 Cây cối bị đốt cháy, loang lổ

Tiếp tục hành trình qua các đỉnh núi mang tên Pu Cà Tục, Túng Củm, Pà Nhạp..., vượt dốc Huồi Mạt, một bên rừng đã trơ trọi. Điều xót xa là nhiều cây gỗ chưa kịp đốt thành than, đã được cắt khúc, nằm ngay bên cạnh khoảnh rừng cây vẫn đứng sừng sững nhưng đã bị lửa đốt dẫn tới chết khô.

Tất cả ngút ngàn tầm mắt tôi đều là những ngọn đồi đã cạo trọc, những khóm cây cao dựa vào nhau đã chết khô vì lửa, những đồi núi chỉ còn trơ lại gốc cây và thân gỗ đã được cắt khúc nằm lăn lóc...

Từ đỉnh Pu Cà Tục, nhìn kỹ, ở những khu vực vừa bị xẻ phát, chặt cây và đốt này, người ta đã trồng cây keo nhỏ, tầm một gang tay. Phía bên kia sườn núi cao, một khoảng không gian lớn dần hiện hữu, ngổn ngang thân gỗ cháy xém, gốc trơ trọi và loang lổ từ việc đốt cây. Thấp thoáng từ xa là những ngôi lán tạm bợ được lợp bằng bạt ni lông xanh, phục vụ cho những người được thuê xẻ phát, đốt, trồng keo...

 Nhiều khúc gỗ bị cắt nằm chỏng chơ
 Trải dài từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác là điểm nhấn về một con đường được san ủi khá rộng, chạy quanh co, hai bên con đường chỉ còn những màu đen và mùi cháy khét, không còn bất kỳ một bóng dáng cây xanh nào còn hiện hữu. 

(Còn nữa)