Trong khi những sinh linh bé nhỏ bị tước đi quyền làm người, thì ở các bệnh viện sản khoa, lại có những ông bố, bà mẹ nuôi khát khao đằng đẵng để được nghe tiếng khóc chào đời của con trẻ…
Ám ảnh cuộc đờiChuyện của em Trần Thị B. (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ trong một hội thảo về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản gần đây vẫn còn ám ảnh tôi mãi. Năm đầu tiên ngồi trên giảng đường đại học, B. trót có thai với người yêu, hai đứa bàn nhau phải “giải quyết” ngay. Do bị biến chứng sót thai, B. phải nghỉ học cả một tháng. Những tưởng sau lần trót dại ấy, B. sẽ không mắc sai lầm nữa. Nhưng 4 năm sinh viên, thì tới 4 lần B. đi nạo hút thai. Sau khi chia tay người yêu, nhiều năm sau, B. mới lại tìm được "một nửa kia", nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Khi biết B. đang mang giọt máu của mình, thì cũng là lúc người yêu cô cao chạy xa bay. B. vẫn nuôi hy vọng, đứa con sẽ là cầu nối để người yêu quay lại, nhưng nhận ra sự thật cay đắng, người mà B. mong chờ ấy đã có vợ con. Thất vọng, B. tìm đến một phòng khám tư phá thai khi sinh linh bé nhỏ đã hơn 5 tháng tuổi. Những lời kể của B là thêm một lần cứa vào nỗi đau trong lòng người con gái trẻ. Nhưng B. đã dũng cảm nói ra, chia sẻ với nhiều bạn trẻ, để mọi người coi đó là bài học đau đớn, không phạm sai lầm như vậy.
|
Bệnh nhân chờ khám tại hành lang Bệnh viện phụ sản T.Ư. Ảnh: Nhật Nguyên |
Tại Phòng Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một chiều cuối tuần, nhưng bệnh nhân rất đông. Chỉ vài người phụ nữ đã luống tuổi, còn đa phần là các cô gái trẻ, người đi một mình, người đi cùng người yêu. Phía cuối dãy có một khuôn mặt rất trẻ, ngồi bên cạnh là người đàn ông chừng ngoài 40 tuổi, tất cả đều lặng thinh, né tránh nhau, không ai nói với ai lời nào. Khi y tá gọi tên ai đó, họ lại đưa mắt đợi chờ, những ánh mắt mệt mỏi lướt qua nhau, rồi vội vã cúi nhìn tờ hóa đơn thu tiền trong tay, nét mặt khó tả. Trong vai một “nạn nhân”, tôi lân la làm quen bạn gái trẻ bên cạnh, tên M. (trên hồ sơ bệnh án). Thời gian chờ đợi khá lâu, M. mạnh dạn chia sẻ cho tôi kinh nghiệm, rằng khi thai còn quá bé, không cần phải nạo hút, mà chỉ nên phá thai bằng thuốc, rất đơn giản, chỉ đau một vài ngày, nhưng còn hơn phải đến bệnh viện đụng dao kéo. M. đã 3 lần xử lý thai bằng cách ấy, lần này M. đến BV chỉ để kiểm tra lại xem đã ổn định hay chưa.
Nhìn những cô gái trẻ này, tôi lại liên tưởng đến một trường hợp mới được cấp cứu thành công tuần qua tại BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Đó là chị Triệu Thị H. (27 tuổi), được người thân đưa đến BV trong tình trạng đau bụng dữ dội, chảu máu âm đạo, tổn thương tử cung. Trước khi vào viện 5 ngày, H. nhờ người quen phá thai bằng thảo dược không rõ nguồn gốc. Sau khi thai ra ngoài, bệnh nhân được đặt một que vào âm đạo để cầm máu và tránh bị sốt. Tuy nhiên, thay vì cầm được máu, H. lại thấy đau bụng và chảy máu nhiều hơn, nên được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Những câu chuyện đau lòng vì phá thai ấy vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp đất nước khiến Việt Nam trở thành một trong những nước đứng top 5 châu Á về phá thai với 300.000 ca mỗi năm.
Khát tiếng khóc cười của trẻTrong khi những người phụ nữ vô tư bỏ đi giọt máu của mình, thì nhiều người lại khắc khoải tìm kiếm, đợi chờ để có một đứa con. Hành trình vất vả, gian nan ấy đã có những thành công, nhưng không ít thất bại. Có những lúc, hạnh phúc tưởng như nắm được trong tay, nhưng lại vội vuột mất, khiến người trong cuộc hẫng hụt. Đã có những gia đình tan vỡ chỉ vì mòn mỏi đợi chờ nhưng không thể có con.
Chị Nguyễn Hoài An (Ba Đình, Hà Nội) luôn có cảm giác tội lỗi, dằn vặt, bởi những sai lầm trong quá khứ. 3 lần phá thai, bỏ đi giọt máu của mình, để hôm nay, sau gần 10 năm cưới nhau, vợ chồng chị vẫn chưa có được một đứa con. Ám ảnh này sẽ theo suốt cuộc đời chị, dù mai này hai vợ chồng có thể sẽ không cùng chung bước trên đường đời. "Tôi đã sai lầm thời tuổi trẻ và không nghĩ hậu quả lại khủng khiếp đến thế. Khi biết tôi không thể sinh con, gia đình chồng đã tạo mọi áp lực, nên tôi quyết định sẽ giải thoát cho anh ấy để anh lấy vợ, sinh con. Lỗi này của tôi, tôi phải tự gánh lấy nó" - lời tâm sự xót xa của chị.
Đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, có thể gặp nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn. Có những người đã cưới nhau 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn, nhưng ước nguyện có con vẫn rất xa vời. Chị Trần Huyền Thu (Thanh Trì, Hà Nội) là một trong số đó. Vợ chồng chị cưới nhau hơn 10 năm, đã vào BV Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), sang Singapore chữa vô sinh, nhưng thất bại. Lần này, đến Trung tâm, anh chị đặt niềm hy vọng sẽ được đón bé chào đời dù niềm hy vọng ấy khá mong manh. Chị tâm sự, trong hành trình hơn 10 năm tìm con với nhiều lần thụ tinh nhân tạo (IVF), không chỉ buồng trứng của chị suy kiệt, mà kinh tế gia đình cũng lao đao, nhưng chị vẫn quyết tâm và hy vọng. "Chỉ lúc nào bác sĩ bảo không còn cơ hội, tôi mới dừng lại, dẫu phía trước còn nhiều khó khăn, cả về kinh tế và tỷ lệ thành công" - chị Thu bày tỏ.
Trong khi những người đằng đẵng đợi chờ, hy vọng sinh được đứa con, thì nghĩ về con số 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm là những nghịch cảnh quá đau lòng. Càng đau lòng hơn, khi tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam lên đến 12% dân số, trong số đó, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính có đến 20% bệnh nhân điều trị vô sinh có tiền sử phá thai. Nếu mỗi thanh niên, trẻ vị thành niên thiếu kiến thức, thiếu trách nhiệm với chính mình, ắt hẳn nỗi đau này sẽ còn nhân lên gấp bội.