Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nội dung số - Người đi sau có thể “lật ngược thế cờ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buổi tọa đàm mang tên “Innovation in digital challenge” (Cải tiến trong...

Kinhtedothi - Buổi tọa đàm mang tên “Innovation in digital challenge” (Cải tiến trong nội dung số) đã được trường ĐH Ngoại thương cùng Hội Truyền thông Số Việt Nam phối hợp tổ chức tối 9/3 với sự tham gia của nhiều diễn giả và đông đảo sinh viên.

Ngành công nghiệp mềm dẻo

Nội dung số là một khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Tại Việt Nam,  tiềm năng của thị trường đối với nội dung số rất lớn, đặc biệt, nhiều nhận định của các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã và đang trở thành “vựa lúa” của thị trường nội dung số trong khu vực.

Nội dung số được coi là quả trứng vàng cho ngành công nghệ thông tin. Trong Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, năm 2020, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số.
Tổng Biên tập báo Vietnamplus trao đổi với sinh viên tại buổi tọa đàm.
Tổng Biên tập báo Vietnamplus trao đổi với sinh viên tại buổi tọa đàm.
Tuy nhiên, thực tế theo Bộ Thông tin &Truyền thông, tổng doanh thu ngành Công nghiệp CNTT đạt 25 tỷ USD trong năm 2011, nhưng đóng góp của ngành nội dung số mới chỉ dừng ở mức 1,1 tỷ USD. Đây chưa phải là con số tương xứng với tiềm năng mà Việt Nam có được. Nguyên nhân của hiện trạng trên, ngoài sự thiếu hụt về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực, còn do thiếu tính đột phá trong việc sáng tạo nội dung số và những vấn đề về sở hữu trí tuệ mà các nhà sáng lập nội dung gặp phải.
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Đăng Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Nghe nhìn Toàn cầu AVG chia sẻ: “Chúng tôi là thế hệ được chứng kiến thời không có số đến thời kỳ số hóa như hiện nay. Có lẽ vì thế, so với các bạn trẻ, chúng tôi có cảm giác rõ ràng hơn về thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là số hóa. Đây là lĩnh vực mới, là một nền công nghiệp trẻ nên nó sẽ do các bạn trẻ quyết định. Và đối với lĩnh vực truyền thông số, không phải người đi sau mãi là người đi sau. Một ngành công nghiệp mềm dẻo như kỹ thuật số thì mọi điều đều có thể xảy ra.”
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Bên cạnh đó, nhà báo Lê Quốc Minh – Tổng biên tập báo Điện tử Vietnamplus cũng thông tin cho sinh viên những đổi mới sáng tạo nội dung số trong báo chí trên thế giới với các xu hướng chính như: Distributed content, di động và thiết bị, thực tế ảo, ứng dụng ảnh, video 360 độ, truyền hình trực tuyến trên mạng xã hội, báo điện tử, chặn quảng cáo, truyền thông xã hội thông qua facebook, snapchat, google, twitter… Trong đó, truyền thông số có xu hướng dựa vào các nền tảng truyền thông xã hội để tăng mức độ phủ sóng tin tức và chia sẻ lợi ích từ doanh thu quảng cáo đồng thời tạo lập giá trị riêng, không dựa vào chiến lược khuếch tán nội dung mà chú trọng phát triển người theo dõi.

"Cuộc chiến" bản quyền

Theo Nhà báo Lê Quốc Minh: “Chúng ta đều đang ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện số để truyền tải thông tin của mình và không lâu nữa chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà tất cả mọi người đều có sức mạnh nội dung số ”. Và quan trọng hơn là chúng ta sẽ phải đối mặt với những “cuộc chiến” mà nguyên nhân gây bùng nổ chính là sự phát triển của nội dung số.
Các diễn giả cùng thảo luận về những thách thức và triển vọng trong sáng tạo   nội dung số

Các diễn giả cùng thảo luận về những thách thức và triển vọng trong sáng tạo nội dung số
Ông Minh cũng khẳng định rằng, nếu nhà sản xuất có thể sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo với những concept đặc biệt thì không một ai có khả năng đánh cắp hay sao chép những sản phẩm ấy để mang lại hiệu quả như chính các nhà sở hữu.

Với góc nhìn của một luật sư, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận Sở hữu trí tuệ BROSS&PARTNERS cho rằng, sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số luôn đi kèm với những thách thức. Các nội dung số đều là những nội dung rất dễ bị sao chép và phát tán trái phép. Điều này đang dẫn tới một thực tế rằng cuộc chiến bản quyền trong lĩnh vực Nội dung số đang ngày một gay gắt và gây áp lực rất lớn cho Pháp luật các nước.

Trong môi trường số, chúng ta không chỉ thuần túy phải giải quyết các vấn đề giữa người sử dụng mà còn là các vấn đề của người sản xuất. Hiện nay ở Việt Nam, các cuộc tranh chấp trong nội dung số đang trở nên ngày càng phức tạp và cần nhiều hơn nữa những công ước về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ.

Theo luật sư Lê Quang Vinh, để hướng tới sự phát triển vững chắc của ngành công nghệ số, chúng ta nên kết hợp mạnh mẽ các biện pháp pháp lí để bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hệ thống “tiền lệ án” và các cơ quan chuyên trách về Sở hữu trí tuệ nên được thành lập để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu.

Bàn về vấn đề số hóa trong Công nghệ thông tin, ông Trần Trọng Thành – Chủ tịch HĐQT VINAPO cho biết, hiện nay các công ty Công nghệ thông tin đang phải thường xuyên đối mặt với các vấn đề đánh cắp bản quyền. Công nghệ số càng phát triển thì vấn đề đánh cắp và lan truyền sản phẩm trái phép ngày càng gay gắt.

Trước những vấn đề phức tạp ấy, các doanh nghiệp vừa phải cố gắng cho ra đời những sản phẩm độc đáo mang dấu ấn riêng vừa mong muốn những biện pháp xử lí thích đáng từ pháp luật Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch HĐQT VINAPO, ông Hà Anh Tuấn – CEO VINALINK, Chủ tịch CLB Seo Việt Nam chia sẻ: Các doanh nghiệp, các nhà sáng chế cần nhiều hơn nữa sự bảo hộ từ pháp luật, để dành phần thắng trong “Cuộc chiến bản quyền” và để xây dựng một nền Công nghệ Số phát triển trong sạch.