Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nơi hàng nghìn cá thể động vật hoang dã được về với tự nhiên

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội là đơn vị duy nhất trên toàn quốc có chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản ĐVHD. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập, quan hệ trong nước và quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp ĐVHD các thế hệ sau (F2).

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết

Những năm đầu thập niên 90, việc săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD ngày một gia tăng. Trong khi Hà Nội vừa là đầu mối giao lưu trung chuyển vừa là tụ điểm buôn bán, tiêu thụ lớn ĐVHD. Trước những yêu cầu bức thiết góp phần thực hiện Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ngày 13/6/1996, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 2031/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm cứu hộ ĐVHD và Kỹ thuật bảo vệ rừng.

Ban đầu, Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận ĐVHD do các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu do săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép để tổ chức cứu hộ, thả về môi trường tự nhiên và thực hiện công tác kỹ thuật bảo vệ rừng. Sau hai lần thay đổi, tổ chức lại, ngày 28/6/2013, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4018/QĐ – UBND và Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ như hiện nay.

 Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng (bên phải) tái thả ĐVHD tại Vườn Quốc gia Cúc Phương tháng 4/2021. Ảnh: Ánh Ngọc 

Khi thành lập, Trung tâm có 7 cán bộ, nhân viên, chưa có trụ sở làm việc và chuồng trại cứu hộ ĐVHD. Với nhiệm vụ được giao hoàn toàn mới, không được đào tạo chuyên môn cho công tác cứu hộ, cơ sở vật chất thiếu thốn là một thách thức lớn. Song, với tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm các thời kỳ, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư, các cấp chính quyền TP Hà Nội, Trung tâm từng bước đi vào hoạt động ổn định. Đến năm 2009, Trung tâm đã được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện trên diện tích 1ha. Trung tâm đã có hệ thống nhà làm việc, nhà nghiệp vụ với tổng diện tích xây dựng 888m2. Một hệ thống chuồng trại nuôi nhốt động vật 1.876m2 cùng với hệ thống tường rào, đường nội bộ cũng như những phương tiện khác đảm bảo phục vụ công tác cứu hộ ĐVHD.

Hiện, Trung tâm có 24 cán bộ, nhân viên với 3 phòng chuyên môn đảm nhận khối lượng công việc lớn. Tính đến tháng 6/2021, số ĐVHD đnag được cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm là 453 cá thể ĐVHD và 47,6kg rắn các loại.

Cứu hộ hàng nghìn cá thể

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 25 năm qua, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận 1.387 vụ với trên 100 loài ĐVHD (bao gồm: 32.397 cá thể ĐVHD và hơn 6.000kg rắn các loại) từ các cơ quan chức năng trên cả nước (Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường...) trong quá trình bắt giữ, tịch thu các vụ buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt trái phép và do người dân tự nguyện giao nộp, hiến tặng để cứu hộ. Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận hơn 50 vụ với trên 1.000 cá thể ĐVHD các loại. Trong đó có nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Hổ, gấu, vượn đen má trắng, chim Hồng Hoàng, Hạc cổ trắng…

 Bác sĩ Trịnh Thị Thu Hằng chăm sóc cá thể vượn đen má vàng tại Trung tâm. Ảnh: Ánh Ngọc 

ĐVHD đưa đến cứu hộ tại Trung tâm, đa phần được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ. Trong đó số lượng lớn bị thương, bị yếu do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày và một số cá thể ĐVHD còn non yếu. Ngoài ra các cá thể ĐVHD không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nguy cơ tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm lây lan cho các cá thể ĐVHD đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm và cho con người trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng. Do vậy, công tác phòng bệnh, điều trị bệnh được Trung tâm đặc biệt coi trọng, nhằm không để dịch bệnh xảy ra và hạn chế tối đa các cá thể ĐVHD bị chết trong quá trình cứu hộ; góp phần nâng cao chất lượng công tác cứu hộ các loài ĐVHD.

Trung tâm đã tổ chức phòng bệnh định kỳ 163 đợt cho 11.559 lượt các cá thể. Tổ chức điều trị bệnh 1.671 đợt cho 21.267 lượt cá thể bị mắc các bệnh (viêm đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương, suy hô hấp…).

Đáng chú ý, công tác nhân nuôi sinh sản ĐVHD trong điều kiện nuôi nhốt là một trong những nhiệm vụ khó, có tính đặc thù cao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi người làm công tác cứu hộ ĐVHD phải có sự kiên trì, tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt là lòng yêu nghề, tình thương yêu với ĐVHD cũng như chủ động khắc phục mọi khó khăn.

Nhờ thường xuyên động viên, khích lệ kịp thời những người làm công tác cứu hộ và nỗ lực khắc phục khó khăn, Trung tâm đã nhân nuôi sinh sản được 91 cá thể ĐVHD, gồm: 29 cá thể hổ; 2 cá thể vượn đen má trắng; 2 cá thể Hạc cổ trắng; 7 cá thể chim Công; 48 cá thể khỉ đuôi dài; 2 cá thể cầy vòi hương; 1 cá thể khỉ đuôi lợn.

 Các chuyên gia của Tổ chức quốc tế hỗ trợ khám, điều trị bệnh cho cá thể gấu tại Trung tâm. Ảnh: Ánh Ngọc 

Thả về tự nhiên nhiều loài động vật hoang dã quý, hiếm

Sau cứu hộ, Trung tâm đã thực hiện tái thả ĐVHD về tự nhiên 161 vụ với 20.341 cá thể ĐVHD và 2.440kg rắn các loại tại các Vườn quốc gia trên khắp mọi miền cả nước như: Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh); Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)... Trong đó, Trung tâm đã cứu hộ và tái thả thành công nhiều loài ĐVHD quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Tê tê java; Rùa đầu to; Rắn hổ mang chúa...

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng thực hiện tốt công tác chuyển giao ĐVHD sau cứu hộ nhằm phục vụ nghiên cứu, tham quan, học tập giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ các loài ĐVHD. Trung tâm đã tổ chức chuyển giao 125 vụ với 3.388 cá thể và 381kg rắn các loại cho các Vườn quốc gia và các Trung tâm cứu hộ như: Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Công ty TNHH Một thành viên Vườn Thú Hà Nội.

Dấu ấn hợp tác trong nước và quốc tế

Thời gian qua, Trung tâm đã chủ động tích cực trong lĩnh vực hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế; nhằm nâng cao chất lượng cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD.

Theo đó, Trung tâm đã ký các biên bản thỏa thuận hợp tác với các tổ chức như: Vườn quốc gia Cúc Phương; Trung tâm cứu hộ Gấu Việt Nam thuộc Tổ chức động vật châu Á (AAF); Trung tâm cứu hộ ĐVHD nước Việt (FB Việt) thuộc Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận FOUR PAWS... nhằm chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ về tài chính cho Trung tâm trong công tác làm giàu phúc lợi động vật và công tác thú y.

Đặc biệt trong thời gian qua, Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận FOUR PAWS đã tài trợ không hoàn lại cho Trung tâm xây dựng gần 1.000m2 chuồng nuôi Gấu bán hoang dã tại Trung tâm, với tổng kinh phí xây dựng 1,9 tỷ đồng; Tổ chức động vật Châu Á (AAF) đã thường xuyên cử chuyên gia đến làm việc, cố vấn về phúc lợi, chăm sóc ĐVHD và cam kết hỗ trợ tài chính cho Trung tâm trong việc thuê chuyên gia thú y tối thiểu là 36 tháng, với số kinh phí là 18.000 USD...

 Những cá thể gấu được hưởng phúc lợi động vật tốt nhất ở khu vực chuồng nuôi bán hoang dã của Trung tâm. Ảnh: Ánh Ngọc

Ngoài ra, Trung tâm còn đón tiếp các đoàn trong nước, quốc tế đến tham quan, làm việc và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn ĐVHD như: Cơ quan phòng, chống Ma tuý và Tội phạm Liên hợp quốc; Chương trình phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới; Traffic Việt Nam; Trung tâm Con người và Thiên nhiên; Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV).... Đặc biệt là Đoàn công tác Vương quốc Anh do Hoàng tử Wiliam dẫn đầu và đoàn công tác Cộng hòa Séc do Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm.

Chặng đường 25 năm xây dựng và trưởng thành, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập (năm 2016); 4 lần được UBND TP Hà Nội tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc tiêu biểu; nhiều năm liền được Bộ NN& PTNT, UBND TP tặng Bằng khen, Sở NN &PTNT Hà Nội tặng Giấy khen. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập (năm 2021), Trung tâm được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III.

Trong quá trình hoạt động cứu hộ, Trung tâm gặp không ít khó khăn bởi số ĐVHD đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng nhất và việc xử lý của các cơ quan thừa hành pháp luật còn chậm trễ. Đáng nói, diện tích mặt bằng của Trung tâm hiện nay quá chật hẹp nên mới chỉ đáp ứng được nuôi nhốt, cứu hộ mà chưa có diện tích xây dựng chuồng trại bán hoang dã tái tạo các tập tính tự nhiên của động vật cho các cá thể trước khi thả về môi trường tự nhiên. Trong khi đó, Dự án mở rộng Trung tâm đã được UBND TP phê duyệt chủ trương, song việc triển khai quá chậm.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng