Nỗi khổ của người dân ở khu “thiếu ánh mặt trời”

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục hộ dân ở nơi đây đang phải sống trong những ngày “thiếu ánh mặt trời” theo đúng nghĩa đen. Bởi cách duy nhất để đối phó với ô nhiễm từ bãi than là luôn phải kín cổng, cao tường, dùng đủ các loại vật liệu che chắn cho ngôi nhà của mình.

Hơn chục năm qua, hàng chục hộ dân phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã phải sống chung với ô nhiễm do bãi tập kết than của trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt gây ra.

Nỗi khổ “xóm Ninja”

Có mặt tại khu vực cổng bãi tập kết than của trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt (phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) những ngày cuối tháng 5/2024, đập vào mắt chúng tôi là một màu đen xạm của bụi than. Dù sau vài trận mưa lớn, đường xá nơi đây đã được tẩy rửa khá sạch sẽ nhưng cái màu đen ám ảnh của bụi than vẫn còn hằn nguyên trên mặt đất, trên nền đường và trên từng góc tường các hộ dân.

Những ngôi nhà được bịt kín như “Ninja” để tránh ô nhiễm từ bãi tập kết than gây ra.
Những ngôi nhà được bịt kín như “Ninja” để tránh ô nhiễm từ bãi tập kết than gây ra.

Nằm ở vị trí gần bãi tập kết than nhất và cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có lẽ là khu dân cư Tổ 30, khu 5, phường Đáp Cầu. Con ngõ nhỏ dẫn vào khu dân cư này nằm ngay gần bãi tập kết. Bước chân vào con ngõ chúng tôi có cảm giác như lạc vào xứ sở “Ninja” trong truyền thuyết của đất nước mặt trời mọc Nhật Bản với những ngôi nhà được che kín bằng tôn, bạt, vải. lưới đen và đủ các loại vật liệu. Bên ngoài những ngôi nhà là 4 bức tường rào cao ngút ngát. Người dân ở đây cho biết, đây là cách tốt nhất họ nghĩ ra được để có thể đối phó với những làn bụi than bay ra từ bãi tập kết thải của trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt.

Nền nhà kho của gia đình ông Khôi bị phủ màu đen kịt của bụi than, bùn than.
Nền nhà kho của gia đình ông Khôi bị phủ màu đen kịt của bụi than, bùn than.

Nằm sâu trong ngõ, ngôi nhà số 221 của gia đình ông Thạch Xuân Khôi (SN 1947) mang một kiến trúc khá “độc đáo”. Một khoảnh sân nhỏ nằm giữa 3 bề xung quanh là nhà, khu bếp và công trình phụ. Xung quanh là nhiều cây xanh bao phủ. Ông bảo làm như thế để ngăn bụi than bay vào nhà. Ấy vậy nhưng từ ngoài cổng vào đến khoảnh sân chính trước nhà ông Khôi cũng bị bao phủ bởi một màu đen xám của than. Phải chăng những giải pháp chống bụi của gia đình ông vẫn chưa thật sự hiệu quả? Hỏi ra mới biết câu chuyện không hoàn toàn như vậy.

Theo ông Khôi, trong khu dân cư ở tổ 30, khu 5 phường Đáp Cầu này, gia đình ông không nằm trong số những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bụi than. Tuy nhiên, đổi lại, nhà ông lại là nơi thường xuyên gánh chịu nhiều nhất những trận “bão bùn than” từ bãi tập kết của trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt. Nguyên nhân là do nhà ông nằm đúng trên lộ trình của con mương thoát nước thải của khu dân cư chạy qua.

Lớp bùn than đen kịt bao phủ cả khu vườn hàng ngàn mét vuông của gia đình ông Khôi.
Lớp bùn than đen kịt bao phủ cả khu vườn hàng ngàn mét vuông của gia đình ông Khôi.

“Trước kia khi chưa có bãi tập kết than, con mương này chỉ có nước thải sinh hoạt của bà con trong khu thôi. Từ ngày bãi than về đây, bụi than tràn xuống lấp đầy hết cả con mương. Nhìn qua thấy con mương nó nông vậy thôi chứ thật ra sâu cả mét, nhưng bên dưới giờ toàn than” – ông Khôi nói. Mỗi lần có trận mưa lớn là bùn than theo dòng nước lại tràn vào nhà ông Khôi, phải mất cả mấy ngày mới dọn hết.

“Mỗi lần bị như thế, tôi đều báo lên phường. Phường cũng cử đoàn xuống nhưng cũng chỉ lập biên bản kiến nghị thôi” – ông Khôi cho hay. Còn về phía công ty than, mỗi lần than tràn vào nhà ông Khôi, họ cũng cho người xuống làm một số giải pháp tạm thời như phủ bạt, xẻ rãnh, đắp thành mương để ngăn bùn than tràn vào nhà dân. Tuy nhiên, mỗi lần mưa to, bùn than lại tiếp tục tràn vào nhà dân như không có gì ngăn cản được.

Bãi tập kết than của trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt được bố trí nằm ngay sát khu dân cư.
Bãi tập kết than của trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt được bố trí nằm ngay sát khu dân cư.

 

Muốn hết ô nhiễm chỉ có cách chuyển bãi than đi nơi khác

Theo chỉ dẫn của ông Khôi, tôi cầm điện thoại mon men ra ngoài con mương để kiểm tra thì quả thật, con mương nước thải được phủ kín bởi một màu đen kịt. Và đúng như lời gia chủ nói, con mương trên sau khi vòng vèo qua các nhà dân thì chạy thẳng vào khu vườn sau nhà ông Khôi. Cả một khu vườn rộng lớn đến cả ngàn mét vuông giờ phải bỏ hoang vì bên dưới đã tràn ngập bùn than.

“Trước đây, khu vườn này nhà tôi trồng đủ thứ hoa màu, từ khoai, cà chua đến hành, mùi… Từ ngày bị bùn than tràn vào, vườn không trồng gì cả, để mặc cho cỏ mọc” – ông Khôi vừa nói vừa hướng mắt ra khu vườn sau nhà với ánh nhìn nặng trĩu. Muốn kiểm chứng lời ông Khôi nói, tôi mượn một chiếc xẻng và nhằm thẳng vào khoảnh vườn mọc um tùm những cỏ với khoai dại mà đào. Kết quả là có đào sâu cỡ nào thì cái chúng tôi thu được cũng chỉ là những khối bùi đen kịt, nhão nhoét. Hỏi ông Khôi rằng vườn bị bùn than tràn vào phải bỏ hoang thế này có được đền bù gì không, ông chỉ thở dài: “Làm gì có được đền bù đồng nào. Vườn này tôi bỏ hoang từ những năm 2014 – 2015 đến giờ”.

Con ngõ dẫn vào sân nhà ông Khôi tràn ngập bùn than sau một trận mưa lớn hồi đầu năm 2024 (Ảnh do người dân cung cấp).
Con ngõ dẫn vào sân nhà ông Khôi tràn ngập bùn than sau một trận mưa lớn hồi đầu năm 2024 (Ảnh do người dân cung cấp).

Không chịu nhiều ảnh hưởng bởi bùn than như nhà ông Khôi nhưng nỗi khổ của gia đình bà Nguyễn Thị Hường (SN 1954) cũng chẳng hề dễ chịu gì. Do nằm ngay cạnh bãi tập kết than nên nhà bà Hường lại là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bụi than và tiếng ồn do bãi tập kết than gây ra. Bà kể, suốt hơn 10 năm qua, nhà bà hầu như lúc nào cũng phải đóng cửa kín mít. Chỉ cần hôm nào quên đóng cửa một lúc là y như rằng bụi than lại tràn vào nhà ngay lập tức.

“Mùa này còn đỡ, chứ mỗi khi đến mùa đông, gió khô hanh tràn về thì y như rằng bụi bay mù mịt. Có những ngày tôi phải lau nhà đến mấy lần vẫn không sao sạch hết bụi than” – bà Hường than thở. Ngoài bụi than thì tiếng ồn cũng là một nỗi ám ảnh với gia đình bà Hường cũng như những hộ dân ở gần bãi tập kết than. Nào tiếng máy móc trong bãi, nào tiếng ô tô vận chuyển than đến và đi… tất cả hòa vào tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp nghe chói tai và buốt óc đến khó chịu.

Rồi chẳng biết có phải do hít nhiều bụi than hay không mà hầu hết những người già và trẻ con ở trong khu dân cư này, những năm gần đây đua nhau bị các bệnh đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm xoang. “Mỗi buổi sáng thức dậy là đờm cứ ùng ục trong cổ. Chẳng biết bao giờ người dân chúng tôi mới thoát được cái cảnh này nữa” – bà Hường buồn rầu nói.

Những đống than khổng lồ vượt trên cả bức tường ngăn cao ngút ngát.
Những đống than khổng lồ vượt trên cả bức tường ngăn cao ngút ngát.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND phường Đáp Cầu thừa nhận có tình trạng ô nhiễm bụi than và nước than chảy vào nhà người dân khi trời mưa. Theo ông Đức, trong những năm qua, mỗi khi nhận được kiến nghị từ người dân về việc ô nhiễm bụi than hay nước than tràn vào nhà dân, UBND phường Đáp Cầu đều xuống kiểm tra và đề nghị chủ trạm chế biến và kinh doanh than Như Nguyệt là Công ty Kinh doanh than Hà Bắc (thuộc Công ty CP kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin) phối hợp với người dân xử lý.

Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm này, theo ông Đức chỉ có cách là chuyển bãi tập kết than đi chỗ khác. “Chúng tôi đã từng mời cả cán bộ quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh về lấy mẫu nhưng kết quả về khí thải, ô nhiễm vẫn đảm bảo đủ. Chính vì vậy, doanh nghiệp vẫn được hoạt động" – ông Đức nói.

 

Trong thời gian trạm than này hoạt động, để đảm bảo đời sống và sức khỏe người dân, chính quyền địa phương vẫn luôn sát sao và quan tâm đến những vấn đề của người dân phản ánh và đề nghị phía doanh nghiệp làm đúng quy trình và thực hiện các giải pháp như phủ bạt kín trong quá trình sử dụng, tập kết đầu bãi; nghiêm cấm tuyệt đối không tập kết quá số lượng...  để giảm thiểu ô nhiễm tới mức thấp nhất – Phó Chủ tịch UBND phường Đáp Cầu Nguyễn Văn Đức