Nỗi khổ đàn ông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không biết bà xã tôi có bao nhiêu điều ước nhưng từ ngày lấy nhau đến giờ ngót nghét chục năm mà tôi chỉ nghe vợ ước có mỗi một điều là được làm đàn ông!

Nấu cơm vợ tôi cũng tị, bảo: “Đàn ông thật sướng, chẳng phải lo chợ búa cơm nước. Ước gì kiếp sau em được làm đàn ông...”. Đến ngày thấy tháng, vợ tôi lại thở dài bảo: “Đàn ông các anh sướng thật... ước gì kiếp sau em được làm đàn ông...”.

 

Suốt những ngày có mang, những lúc cơn nghén lên, những lúc con quẫy đạp, vợ tôi lại nhăn nhó: “Đàn ông chẳng biết thế nào là mang nặng đẻ đau. Cái gì sướng thì đàn ông hưởng, khổ thì đàn bà chịu, ước gì kiếp sau em được là đàn ông...”. Vợ nhìn chồng sáng đi, tối mịt mới về thở ra đầy mùi bia rượu thì dằn vặt, trách móc chồng và ước kiếp sau được làm đàn ông.

Thật tội nghiệp vợ tôi. Người ta sướng vì người ta chấp nhận những cái mình đang có, người ta hạnh phúc bởi người ta không ao ước những điều xa xôi. Còn vợ tôi lại khốn khổ vì cứ ước điều cho kiếp sau trong khi chẳng biết nỗi vất vả làm người đàn ông ở kiếp này.

Phụ nữ bây giờ cũng vất vả kiếm tiền nhưng không phải sống chết vì tiền. Còn đa số đàn ông cứ phải sống chết vì tiền, không chỉ để vợ con có cuộc sống tươm tất mà còn để vợ khỏi khinh, để không bị vợ so sánh với người đàn ông khác. Áp lực kiếm tiền với mục đích ấy đè nặng cuộc sống của người đàn ông khiến họ mệt mỏi, căng thẳng, khốn khổ - đó là nỗi khổ của đàn ông mà ít người vợ biết được.

Người ta vẫn bảo đàn bà đặt gia đình lên hàng đầu, họ có thể hy sinh tất cả vì gia đình, vì chồng con, còn đàn ông đặt nhiều thứ lên trên gia đình, vợ con... Nghe vậy, thấy đàn ông thật ích kỷ, thật ít tình, nhưng đâu phải thế. Rất nhiều người đàn ông bỏ ước mơ, bỏ sự nghiệp lao vào kiếm tiền. Họ kiếm tiền khổ cực, mệt mỏi đâu phải vì họ mà vì vợ con, vì sự bình yên của gia đình...

Nghe vợ than thở về chuyện tiền nong, rồi so sánh chồng của bạn này với bạn khác tôi buồn lắm, cuối cùng đành quyết định bỏ cái nghề thiết kế xây dựng mà mình say mê yêu thích đi môi giới nhà đất để gia đình được đổi đời.

Khi bỏ việc, tôi đau khổ vô cùng, nhiều khi tiếp xúc với những người khách kém văn hóa, họ nói với mình như nói với kẻ lừa đảo lại thấy bức xúc, tự ái, chỉ muốn bỏ mặc tất, nhưng nghĩ đến miếng cơm, manh áo của vợ con vẫn phải nén lòng vui vẻ, dịu ngọt với họ.

Đồng tiền kiếm được thật nhọc nhằn vất vả, đôi lúc còn phải đổi bằng sĩ diện và lòng tự ái - đó là cái khổ của người đàn ông, lẽ nào vợ cũng muốn...

Nói vậy thôi, dù là đàn ông hay đàn bà đều có nỗi khổ riêng, cực nhọc riêng. Có điều khổ đấy, vất vả đấy là vì nhau, là vì gia đình, vì các con - đó là hạnh phúc. Muốn gia đình hạnh phúc, êm ấm và điều ước từng như bất khả thi ấy trở thành hiện thực thì cả nam và nữ phải cùng chung vai gánh vác không chỉ việc xã hội, lo kinh tế cho gia đình mà còn phải đảm nhiệm tốt vai trò “nội tướng”.