Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi khổ phụ nữ ở nhà làm nội trợ

Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời nay, đi đâu cũng thấy phụ nữ đòi quyền bình đẳng giới, bình đẳng trong gia đình và bình đẳng cả ngoài xã hội.

Rất nhiều phụ nữ đảm đương những vị trí cao trong các công ty tổ chức, họ được sống theo cách họ muốn, làm điều họ thích. Tuy nhiên vẫn có một số ít những phụ nữ chấp nhận ở nhà làm nội trợ chăm sóc con cái, rồi có đôi lúc họ tự hỏi “mình là ai?”.
 Ảnh minh họa.
Theo tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO), có đến 30% số nam nữ được hỏi mong muốn người phụ nữ ở nhà nội trợ, 21% nam giới muốn phụ nữ đi làm có thu nhập và có tới 44% muốn phụ nữ vừa đi làm vừa có thời gian chăm sóc gia đình. Và thực tế, trong các gia đình Việt Nam, phần lớn phụ nữ vẫn vừa kiếm tiền ngoài xã hội vừa chăm lo cho gia đình. Nhóm này vẫn có tiếng nói trong gia đình và có chồng cùng chia sẻ việc nhà. Còn những người phụ nữ chỉ ở nhà lo nội trợ thì sao?
Với những phụ nữ ở nhà làm nội trợ hoàn toàn, thường người chồng mặc nhiên coi đó là việc của vợ nên không đụng chân đụng tay. Thi thoảng tôi có ghé thăm cô bạn cũng ở nhà làm nội trợ sau khi sinh 2 đứa con, thấy nó cứ luôn chân luôn tay, hết dọn dẹp giặt giũ lại lo nấu nướng, rồi lo cho con ăn. Nó bảo sáng phải dậy từ 5 giờ sáng nếu có bố mẹ chồng vào chơi, còn không thì 5 giờ 30 cũng phải dậy để dọn dẹp rồi nấu nướng, cứ quanh ra quanh vào một tí thấy hết ngày. Tối thì lo tắm giặt cho con, lo đồ ăn tối, lo giặt đồ, có hôm 11 giờ đêm mới xong việc. Ai cũng bảo ở nhà sướng, mà nó chỉ muốn đi làm thôi, khổ nỗi giờ không có ai chăm con cho để đi làm, chồng thì đi làm về là vắt chân xem tivi hoặc chăm sóc mấy con chim, con cái chưa tắm chưa ăn mặc kệ, vì đó là việc của vợ.
Có hôm nhờ chồng dọn cơm, nghĩa là chỉ bê đồ ăn ra bàn với lấy bát mà chồng cũng ngồi đó mặc kệ. Nó bảo giá như chồng có thể phụ việc nhà, phụ chăm con thì nó cũng đi làm nhưng một mình phải làm hết không đi làm nổi. Có thời gian nó cũng đi làm, cố gắng kiếm công ty gần nhà trẻ của con để tiện đưa đón nhưng cuối cùng vẫn phải nghỉ làm. Vì con hết đứa này đến đứa kia ốm, xin nghỉ phép nhiều mà ngại nên xin nghỉ luôn.
Những điều kể trên vẫn trong giới hạn, bực hơn chút thì có những hôm chồng đi làm về mà cơm chưa nấu xong là um sùm gắt lên, nào là “ở nhà cả ngày làm cái gì mà giờ chưa có cơm ăn”, “cả ngày có mỗi việc nấu bữa cơm mà cũng không xong”,… mà không hề hỏi thăm vợ làm sao trong khi mặt vợ tái mét vì ốm, chiều mệt quá nằm thế là ngủ quên.
Nhưng đỉnh điểm là chồng coi thường vợ, cho rằng vợ ở nhà vô dụng, không kiếm được tiền ăn bám chồng, còn bản thân mình thì ra ngoài kiếm tiền vất vả, về nhà tự cho mình cái quyền coi vợ như oshin, chửi vợ không tiếc lời. Nhiều lần cô bạn tâm sự “tao muốn ly hôn quá, chứ sống như này tao thấy mệt mỏi, mình đâu phải loại đàn bà không thể đi làm kiếm tiền, chỉ vì chăm 2 đứa con nên không thể đi làm, vậy mà ở nhà làm đủ thứ việc không tên, không được trả lương mà vẫn bị chửi, bị coi thường”.
Tôi chỉ biết an ủi, “thôi cố đi, giờ ly hôn mày không có thu nhập, ra tòa bị tước quyền nuôi con đó, chờ con cái lớn chút thì sẽ đỡ vất vả, lúc đó có thể đi làm, làm chủ tài chính rồi tính sao thì tính”.
Thực tế ở Việt Nam, việc phụ nữ làm việc nhà là hiển nhiên và không được tính lương. TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam mỗi ngày dành ít nhất 5 giờ đồng hồ cho các công việc chăm sóc gia đình không lương.
Nếu tính mỗi ngày làm việc nhận lương là 8 tiếng thì thời gian trên bằng hơn 60% thời gian làm việc được trả lương. Vậy tại sao nhiều phụ nữ làm nội trợ vẫn bị chồng coi thường? Phải chăng vì phụ nữ Việt Nam vốn quen cam chịu, họ chấp nhận làm mọi thứ miễn sao giữ được gia đình yên ấm, và đàn ông thì mặc định phụ nữ phải vậy?
Đàn ông hãy thử một tuần ở nhà làm nội trợ, chăm con để hiểu cho nỗi khổ “trăm việc không tên” của phụ nữ, để biết rằng việc nhà không phải việc riêng của phụ nữ. Anh đi làm kiếm tiền vất vả, phụ nữ làm nội trợ cũng vất vả không kém, chưa kể những phụ nữ vừa làm việc nhà vừa lo kiếm tiền.