Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nói không với mũ bảo hiểm “rởm”

Nguyễn Duy Khánh - Trường Trung cấp nghề số 10 - Bộ Quốc phòng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi người điều khiển xe máy không may bị tai nạn, mũ bảo hiểm (MBH) sẽ giúp bảo vệ vùng đầu an toàn. Tuy nhiên, nếu là mũ không đạt chuẩn thì có đội cũng như không.

Còn mang tính đối phó
Do tai nạn giao thông xảy ra quá nhiều, số ca chấn thương sọ não chiếm tỷ lệ rất lớn trên tổng số vụ tai nạn nên Chính phủ đã có quy định người điều khiển xe máy bắt buộc phải đội MBH từ ngày 1/1/2008. Dù vậy, chỉ sau một thời gian đầu người dân chấp hành tốt luật, dần dần việc đội MBH đã mang tính đối phó dưới nhiều hình thức mà đến chính các cơ quan chức năng cũng khó quản lý và xử phạt.

Số lượng người điều khiển xe máy ở Việt Nam không ngừng tăng lên theo cấp số nhân, kéo theo nhu cầu sử dụng MBH tăng mạnh. Song, không phải ai cũng thích đội MBH vì cho rằng bất tiện, nặng đầu và làm xấu kiểu tóc, đặc biệt là với phụ nữ. Vì vậy, các loại MBH không đạt chuẩn xuất hiện ồ ạt trên thị trường để phục vụ yêu cầu của nhiều người là nhẹ, thời trang, nhiều màu sắc và giá lại rất rẻ.

Cảnh sát giao thông nhắc nhở người dân sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn. Ảnh: Công Hùng

Để khắc phục kiểu lách luật trên, cơ quan chức năng đã ban hành thêm quy định bắt buộc phải đội MBH đạt chuẩn gồm 3 lớp, vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Ngoài ra, mũ phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2008 của Bộ trưởng Bộ KH&CN; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quy định này cũng chỉ tồn tại nghiêm ngặt được một thời gian đầu, bởi chế tài xử phạt chưa nghiêm, thiếu tính răn đe, hiệu lực tuyên truyền yếu và người dân vẫn ồ ạt sử dụng mũ không đạt chuẩn. Không ít người đội MBH trên đầu chỉ là hình thức, qua mặt cảnh sát giao thông chứ không phải bảo vệ tính mạng cho mình nếu không may tai nạn xảy ra. Hơn nữa, ngay chính ngoài thị trường, việc quản lý cũng không tốt, MBH không đạt chuẩn được bày bán tự do ở mọi nơi như một hàng hóa bình thường và gần như không có sự kiểm soát về chất lượng. Trên rất nhiều con phố ở Hà Nội, tiêu biểu ở phố Chùa Bộc, còn được mệnh danh là “thánh địa MBH rởm”, chỉ với 30.000 đồng sẽ có ngay một chiếc MBH với đầy đủ sắc màu, hoa văn trang trí.

Nên xử lý mạnh tay

Khi lưu thông trên đường, chúng ta chứng kiến nhiều trường hợp người lái xe máy bị tốc ngược MBH khi đang đi trên đường vì gió to lật ngược mũ, bởi mũ rởm rất nhẹ và chỉ cần rơi xuống đường là có thể vỡ tan tành. Thử hỏi, nếu không may xảy ra tai nạn, với chiếc mũ rởm không chịu được một cú rơi từ chính sức nặng của mình thì làm sao bảo vệ được hộp sọ sau một cú va chạm mạnh?

Có nhiều nguyên nhân khiến cho người đi xe máy không đội MBH hoặc đội MBH dởm, nhưng chủ yếu xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ. MBH đạt chuẩn không hề nặng và không hề bất tiện nếu như sử dụng quen sau vài lần đầu, tác dụng bảo vệ của mũ đạt chuẩn rất rõ ràng đó là hạn chế số vụ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gây ra. Cần thay đổi tư duy nhận thức rằng đội MBH đạt chuẩn mới là văn minh, là đẹp.

Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần phải áp dụng luật và xử lý cứng rắn hơn nữa hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không đạt chuẩn của người lái xe. Thay vì phạt tiền, chúng ta có thể bắt buộc người dân mua MBH đạt chuẩn ngay tại chốt giao thông do công an cấp như cách làm đang được áp dụng khá hiệu quả tại Thái Lan. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là sự thay đổi trong chính tư duy, nhận thức và ý thức người tham gia giao thông. Nói không với mũ bảo hiểm rởm chính là thể hiện văn hóa giao thông thanh lịch, tiến bộ.