Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nói không với rác thải nhựa: Những hành động thiết thực

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các sản phẩm nhựa và túi nilon chính là tác nhân gây ô nhiễm, hủy hoại đến môi trường và sức khỏe con người.

Nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, năm học 2019 - 2020, các trường học trên địa bàn TP đã triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực thể hiện tinh thần quyết tâm “Nói không với rác thải nhựa”.
Ban Giám Hiệu trường THPT Trần Nhân Tông gửi tin nhắn đến phụ huynh học sinh,kêu gọi không dùng túi nilon bọc sách vở.

Tiện dụng nhưng nguy hại
Việc chúng ta sử dụng đồ nhựa, túi nilon vì nghĩ túi nilon tiện dụng mà không để tâm một chiếc túi nilon mất 10 - 20 năm mới phân hủy được; một chiếc cốc nhựa xốp có thể mất đến 50 năm, còn chai nhựa đựng hóa chất thậm chí mất hàng trăm năm... đã phần nào tạo ra sự nguy hại đến chính môi trường sống. Chúng góp phần vào những hiện tượng như xói mòn, thoái hóa đất đai, ứ đọng nước thải, gây cản trở cho sự phát triển của cây trồng, tác nhân xấu đối với môi trường sinh thái.
Các nhà khoa học đều đã chứng minh, rác thải nhựa do không có khả năng tự phân hủy đang tàn phá, hủy hoại môi trường sống và sức khỏe con người. Nếu ở ngoài môi trường, chất thải nhựa nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa dioxin và furan, là những chất kịch độc, tồn tại lại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Chuyển biến từ những hành động thiết thực
Mới đây, em Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 trường Marie Curie - Hà Nội đã viết một bức thư điện tử gửi đến 40 trường học ở Hà Nội nhằm kêu gọi ngừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường. Bức thư ấy đã truyền cảm hứng và hàm chứa rất nhiều ý nghĩa, nhất là giáo dục ý thức trách nhiệm của giới trẻ ngày nay với vấn đề môi trường. Nó cũng "thức tỉnh" người lớn nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa.
Những ngày qua, nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã đẩy mạnh việc “tuyên chiến” với rác thải nhựa. Đơn cử, trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) đã gửi thông điệp mới nhất của trường tới các phụ huynh, nhà trường kêu gọi giáo viên và các học sinh không dùng túi nilon để bọc sách vở.
Nói không với rác thải nhựa: Những hành động thiết thực - Ảnh 2
Tình nguyện viên và các em nhỏ tái chế các sản phẩm từ nhựa tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, cô giáo Vũ Thị Hậu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, chúng tôi đã truyên truyền và khuyến khích học sinh không sử dụng các vật dụng dùng một lần bằng nhựa mà thay vào đó là dùng cốc thủy tinh hay những sản phẩm thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm lại có tính hữu dụng cao.
Cô giáo Vũ Thị Hậu chia sẻ thêm: Nhà trường cũng khuyến khích học sinh không bọc sách vở bằng bìa nilon bán sẵn, mà có thể bọc bằng giấy báo hoặc dán mép bìa sách. Chúng tôi hy vọng từ những việc làm nhỏ này sẽ khơi dậy ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các em, trước hết là giữ gìn, bảo vệ môi trường ngay trong lớp học, trường học, nơi các em sinh sống.
Có thể thấy, nói không với đồ nhựa dùng một lần và không bọc vở nilon là một hành động đẹp, thiết thực được các bạn học sinh cũng như phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình.
Vừa qua, một nhóm học sinh lớp Lý 1 khóa 1720 của trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đã xây dựng dự án “The Plastic Hero” dự án bảo vệ môi trường, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa. Dự án với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là giáo dục các em nhỏ, tạo nguồn động lực cho phụ huynh khuyến khích thế hệ tương lai về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Mới đây, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP cũng hưởng ứng rất tích cực, khuyến khích học sinh không bọc sách vở bằng bìa nilon như trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội…
Nói không với rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, không chỉ một cá nhân hay tập thể hưởng ứng mà nó là sự chung tay của cả cộng đồng. Hi vọng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ý thức của mỗi người dân đang được nhen lên từ những việc nhỏ ở khắp nơi thì chắc hẳn rằng môi trường sống của chúng ta sẽ dần được cải thiện.