Mùa khô tới, Tết Giáp Ngọ cũng đã cận kề, nguy cơ cháy nổ cao càng khiến những người dân nơi đây thêm phần lo lắng.
Sống âu lo vì nhà xuống cấp
Đến thăm khu nhà gỗ nằm trên phố Vọng Hà trong một chiều cuối đông. Tại đây vẫn còn 13 căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 1956. Bà Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng tổ 25, hiện sống tại nhà gỗ số 11 dẫn chúng tôi lên tầng 2 nơi bà đang sống. Những bậc thang lên xuống của nhà gỗ số 11 đã bị hư hỏng nặng, sàn nhà nhiều vị trí bị thủng, ván ghép đã cong vênh, khập khiễng. Mỗi bước chân qua lại nghe tiếng kêu răng rắc. Bà Huệ cho biết, trong tổng số 13 nhà gỗ hiện còn người dân sinh sống trên địa bàn phường thì nhà gỗ số 11 là ọp ẹp nhất. Nhiều chủ sở hữu cũ có điều kiện đã chuyển tới nơi ở mới và cho người lao động ngoại tỉnh thuê trọ tại những căn phòng này.
Ông Đào Minh Đăng, Tổ trưởng tổ 27, hiện sống tại nhà gỗ số 14 cho biết thêm, cả khu trước đây có 17 căn nhà gỗ, hiện chỉ còn 13 căn. 4 căn đã bị thiêu rụi từ nhiều năm trước và vụ hỏa hoạn xảy ra năm 2007 đã thiêu rụi nhà gỗ số 13. Qua thời gian, những ngôi nhà đã trở nên cũ kĩ, sập sệ. Nhiều vị trí cầu thang, lối đi, vách nhà... đã bị mục nát. Các hộ gia đình phải tu sửa "chui" bằng cách phá đi xây thay thế bằng xi măng hoặc ốp nhựa mi - ca, tôn thép để đảm bảo an toàn.
Để ngăn ngừa khả năng cháy nổ, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân sử dụng bếp gas cho sinh hoạt, thay vì bếp than, bếp củi. Tuy nhiên, theo anh Phạm Văn Phương, thuê trọ tại nhà gỗ số 17 (thuộc tổ 23), nhiều hộ dân vẫn thường xuyên sử dụng bếp than khi có nhu cầu đun nấu nhiều.
Không chỉ có kết cấu nhà gỗ bị xuống cấp mà hệ thống đường dây điện tại các khu nhà cũng rất chằng chịt, rối rắm; lại bắc ngang qua những vị trí trần, mái, vách tường gỗ đã cũ nát khiến nguy cơ xảy ra cháy khi không may có chập điện là rất cao, đặc biệt trong mùa khô.
Mong sớm được cải tạo
Mỗi nhà gỗ hiện có khoảng 40 hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu đang sinh sống. Dù hiện trạng các nhà gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng các hộ không được tự ý sửa chữa, cơi nới; càng không được phá đi để xây mới nhà cao tầng. Được biết, năm 2005, cơ quan chức năng đã cho tu sửa nhà gỗ số 16 và 26. Theo đó, thay mái trần bằng tôn thép. Tuy nhiên, cư dân nhiều nhà gỗ cho rằng đây là cách làm không an toàn, bởi nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhà gỗ lợp mái tôn rất nóng vào mùa hè và khi trời mưa to gió lớn thì phát ra tiếng ồn lớn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ tại khu nhà gỗ trên phố Vọng Hà. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Ông Đào Minh Đăng, Tổ trưởng tổ 27 cho biết, từ những năm 2001, người dân trong khu đã kiến nghị với chính quyền địa phương cho phá bỏ nhà gỗ để xây mới những căn nhà bê tông kiên cố hơn. Tuy nhiên, việc cải tạo không thể thực hiện vì vướng Luật Đê điều. Thêm nữa, chính quyền địa phương cũng không cho phép các hộ thực hiện việc tu sửa, cải tạo riêng lẻ do lo ngại ảnh hưởng tới kết cấu nhà gỗ và cảnh quan đô thị chung.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Trung Sơn - Phó Chủ tịch UBND phường Chương Dương cho biết, để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân, mỗi khu dân cư trên địa bàn phường xây dựng một Đội Phòng cháy chữa cháy gồm 12 người, sẵn sàng ứng trực để xử lý nhanh sự cố khi không may có hỏa hoạn xảy ra. Bên cạnh đó, từ năm 2011, mỗi gia đình trong khu nhà gỗ được UBND phường trang bị một bình chữa cháy cỡ nhỏ phục vụ việc chữa cháy tại gia. UBND Phường cũng sử dụng hệ thống loa phát thanh để thường xuyên tuyên truyền cho người dân về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ, đặc biệt là trong dịp cuối năm và mùa khô.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong việc đảm bảo an toàn chỉ có thể coi là giải pháp tạm thời. Trong dài hạn, cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp những ngôi nhà gỗ trên địa bàn phường Chương Dương nhằm góp phần đảm bảo cuộc sống ổn định và an toàn cho hàng trăm hộ dân nơi xóm nhà gỗ này.