Mới đây, trên báo chí có đăng bài về hàng chục trẻ em trên thế giới tử vong do uống thuốc ho không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, ở nước ta, nỗi lo về dùng thuốc là sự tùy tiện khi tự ý uống kháng sinh, tự mua và uống những thứ thuốc kê đơn, bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ mới được mua.
Mới đây, trên trang cá nhân, PGS Nguyễn Lân Hiếu kể rằng, trong chuyến đi khảo sát nhà chống lũ, một người trong đoàn bị đau họng nên ra hiệu thuốc mua. Thật may là, khi người ấy mua thuốc về, PGS Nguyễn Lân Hiếu mở gói thuốc ra và giật mình vì có hai loại kháng sinh cùng nhóm Cephalosporin và một số loại thuốc màu vàng, màu đỏ không ai biết được.
PGS Hiếu cho biết, thuốc kháng sinh là phải do bác sĩ chỉ định, kê đơn và không ai lại cho hai thứ kháng sinh cùng loại cả trong một toa thuốc cả. Ông cũng cho biết, các nhà thuốc hiện đang kê đơn kiểu này (thường là các dược tá kê) có ở khắp nơi. Họ vừa người bán thuốc, vừa là người khám, chữa bệnh.
Trong nhiều trường hợp, bệnh do virus gây ra đều tự khỏi sau mấy ngày. Thế là, người bệnh tưởng rằng thuốc của dược tá bán hàng là tốt, lần sau cứ thế mà mua.
Tuy nhiên, mọi người đều biết, bất cứ thuốc gì cũng có tác dụng phụ, kể cả thuốc không cần kê đơn. Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, hiện tượng dùng kháng sinh bừa bãi dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh, rất nguy hại cho bản thân người bệnh và cả cộng đồng. Theo PGS Hiếu, tình trạng kháng kháng sinh đang khiến các bác sĩ lâm sàng vô cùng nhức óc mà nguyên nhân sâu xa là việc dùng thuốc bừa bãi, không đúng liều lượng và tuân thủ ngày điều trị.
Ngành y tế đã quy định, nhà thuốc chỉ được bán thuốc không kê đơn, còn các loại thuốc như kháng sinh, tim mạch… đều phải có chỉ định của bác sĩ mới được bán.
Đã đến lúc, ngành y tế cần xử phạt thật nghiêm khắc các nhà thuốc tự ý kê đơn bán thuốc chữa bệnh. Các nhà thuốc chỉ được bán các loại thuốc không kê đơn như vitamin, hạ sốt, giảm đau non - steroid…
Mới đây, khi vào một nhà thuốc thuộc hệ thống nhà thuốc khá nổi tiếng, chúng tôi thấy đúng là có việc dược tá thay thế chức năng của bác sĩ. Điều đáng nói hơn, không phải dược tá nào cũng có đủ kiến thức cơ bản. Khi mua các gói muối biển (oresol), chúng tôi được cô nhân viên bán thuốc khuyên nên pha muối càng đậm đặc càng tốt. Thực ra, người dân nên pha đúng tỷ lệ đã khuyến cáo trên bao bì mới đúng, vì uống nước muối biển đặc sẽ có tác dụng ngược, gây mất nước.
Người dân cũng nên nghe theo khuyến cáo của ngành y tế, có bệnh nên đi khám để được cho thuốc; khi mua thuốc cũng không nên ngần ngại hỏi đó là thuốc gì, có nguồn gốc rõ ràng hay không.
Cuối cùng, mong người bán thuốc cần nêu cao đạo đức kinh doanh, thuốc, tuân thủ nghiêm quy định của ngành y tế, lấy chữ tín làm đầu, dù doanh thu thời gian đầu sẽ có phần sụt giảm, nhưng sau đó sẽ có nhiều khách hàng tìm đến nhiều hơn do tin tưởng hơn.