Nỗi lo cháy nổ chung cư vẫn hiện hữu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn tồn tại hàng trăm chung cư vi phạm về công tác phòng chống cháy nổ. Nguyên nhân nào đẫn đến tình trạng này và giải pháp nào để để giải quyết vấn đề?

Hàng trăm chung cư mất an toàn cháy nổ

Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TP Hà Nội (PCCC Hà Nội) cho biết, toàn TP hiện có khoảng 800 công trình nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng. Trong đó, có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC; 121 công trình chưa được nghiệm thu và thẩm duyệt về PCCC. Ngoài ra, có 68 công trình không đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế thi công hệ thống PCCC; 21 công trình không đảm bảo về giao thông, tiếp cận về PCCC; 58 công trình không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 51 công trình không đảm bảo ngăn cháy lan.
Cảnh sát PCCC Hà Nội tập huấn cho người dân về chữa cháy.
Cảnh sát PCCC Hà Nội tập huấn cho người dân về chữa cháy.
Thời gian qua, Cảnh sát PCCC đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách, tổ chức kiểm tra, phúc tra an toàn PCCC tại các công trình nhà cao tầng còn tồn tại vi phạm quy định về PCCC trên địa bàn TP. Với sự vào cuộc của Cảnh sát PCCC, một số công trình trước đây còn tồn tại vi phạm về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã tổ chức khắc phục xong và được nghiệm thu về PCCC theo quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư không nắm bắt được hoặc cố tình không thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế về PCCC dẫn đến tình trạng công trình đã thi công xong, đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Nguyên nhân do đâu?

Về nguyên nhân tồn tại vi phạm về công tác PCCC xảy ra tại các khu chung cư, Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội đánh giá: Nhiều dự án, chung cư, do chủ đầu tư không trực tiếp mà giao cho đơn vị tư vấn thiết kế, thi công về PCCC làm các thủ tục thẩm duyệt về PCCC. Khi nhận Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC có kèm theo các kiến nghị của cơ quan PCCC nhưng không quan tâm để điều chỉnh thiết kế mà vẫn tổ chức thi công theo thiết kế đã lập. Đồng thời, sự phối hợp giữa cơ quan cấp phép quy hoạch, xây dựng với cơ quan Cảnh sát PCCC có những thời điểm còn chưa chặt chẽ, có tình trạng một số dự án công trình sau khi được duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc sơ bộ, cấp phép xây dựng chủ đầu tư mới gửi cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt. Có công trình đã thi công hệ thống PCCC đúng theo thiết kế được thẩm duyệt nhưng do không thực hiện được đầy đủ các yêu cầu liên quan đến điều chỉnh kiến trúc, kết cấu như bổ sung thêm buồng thang bộ thoát nạn, đóng kín buồng thang,… dẫn đến tình trạng công trình đã thi công xong nhưng không thể nghiệm thu về PCCC.

Quá trình triển khai dự án, nhiều chủ đầu tư tổ chức thi công công trình không đúng so với hồ sơ thiết kế ban đầu đã được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt; Nhiều dự án công trình, chủ đầu tư chỉ triển khai thi công đưa công trình vào sử dụng mà không triển khai đồng bộ hạ tầng đi kèm (đường giao thông tiếp cận, cấp nước, thông tin liên lạc…) theo thiết kế đã được duyệt dẫn đến tình trạng không thể nghiệm thu về PCCC cho công trình hoặc có những công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chủ đầu tư không tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Cần xử lý nghiêm

Đại diện Cảnh sát PCCC Hà Nội cho hay, để đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt đối với các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại…, vừa qua, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã báo cáo đề xuất Bộ Công an, UBND TP một số giải pháp, biện pháp cụ thể: Đối với các công trình nhà cao tầng đang thi công nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC, Cảnh sát PCCC TP có văn bản kiến nghị về PCCC, yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động xây dựng để thực hiện quy định về thẩm duyệt thiết kế về PCCC; Với các công trình nhà cao tầng đã được thẩm duyệt thiết kế nhưng chưa nghiệm thu về PCCC và đã đưa vào hoạt động, thì chủ đầu tư phải hoàn thiện ngay các yêu cầu về PCCC theo hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, tổ chức nghiệm thu về PCCC theo quy định của Luật PCCC…

Với công trình nhà cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC, yêu cầu chủ đầu tư cần có báo cáo giải trình cụ thế đối với từng công trình. Trước mắt, kiến nghị chủ đầu tư bố trí nguồn kinh phí lắp đặt các trang thiết bị PCCC, các hệ thống kỹ thuật có liên quan… Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về PCCC đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư cố tình không thực hiện, sẽ tham mưu cho UBND các cấp tiến hành các biện pháp, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động…