KTĐT - Cho đến nay, CPI vẫn được coi là một chỉ số để đánh giá không chỉ lạm phát mà còn là để đánh giá sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.
Không phải ngẫu nhiên nhiều chuyên gia kinh tế đã tỏ ra băn khoăn khi kế hoạch đề ra trong năm 2011 tăng trưởng GDP là 7-7,5%, cao hơn thực hiện năm 2010 và chỉ số CPI là 7%, thấp xa so với thực hiện trong năm 2010. Bởi vì với khuynh hướng phát triển tăng trưởng thì việc kiềm chế CPI khó mà đạt được chỉ tiêu đề ra.
Tháng đầu năm 2011, chỉ số CPI ở mức 1,74%. Có những ý kiến tự an ủi, như thế CPI đã chậm lại so với tháng 12/2010 (1,98%). Song trên nền giá cả đã tăng liên tục trong 4 tháng cuối năm 2010 thì mức tăng CPI trên là đáng ngại. Nếu tính từ năm 2004 đến nay, chỉ số CPI tháng 1 năm nay cao thứ nhì chỉ sau tháng 1 năm 2008, là năm khủng hoảng kinh tế thế giới và năm đó CPI cả năm của Việt Nam leo lên mức kỷ lục 19,9%. Trong số những nguyên nhân làm tăng CPI tháng 1, nhiều ý kiến cho rằng ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm giá thực phẩm tăng vọt khiến CPI của nhóm thực phẩm tăng tới 2,74% và chỉ số CPI của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vì thế tăng 2,47%.
Khi CPI tháng 1 đã tăng như vậy thì việc kiềm chế CPI tháng 2 là tháng có nghỉ Tết kéo dài xuống thấp hơn sẽ là điều không tưởng. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, CPI tháng 1 luôn thấp hơn CPI tháng 2. Năm 2004, CPI tháng 1 là 1,1% thì tháng 2 là 3%, năm 2005 CPI 2 tháng đầu năm lần lượt là 1,1% và 2,5%, năm 2006 là 1,2% và 2,1%... và năm 2009 là 0,32% và 1,17%, năm 2010 là 1,25% và 1,96%. Như vậy, có thể dự báo được CPI tháng 2 năm nay sẽ cao hơn so với tháng 1. Cục Quản lý giá Bộ Tài chính đưa ra dự báo CPI tháng 2 năm nay sẽ ở mức 1,8%- 2%. Nếu dự báo này là chính xác thì chênh lệch giữa tháng 2 với tháng 1 là rất thấp và CPI tháng 2 sẽ có mức tăng ở vị trí áp chót so với các tháng 2 tính từ năm 2004 đến nay.
Tuy nhiên, chúng tôi e rằng CPI tháng 2 còn cao hơn thế nhiều vì trong thời điểm tính CPI tháng 2 (từ 16/1 đến 15/2) là thời điểm mua sắm và tiêu dùng Tết Nguyên đán, giá của nhiều loại mặt hàng tăng vọt: Lương thực vẫn tăng cao theo thị trường thế giới, thực phẩm càng tăng mạnh. Không chỉ thực phẩm tươi sống mà cả thực phẩm công nghiệp (như đồ uống) các loại hàng tiêu dùng khác cũng tăng cao. Nếu như sau Tết, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giống như năm 2010 thì CPI sẽ còn bị tác động mạnh hơn. Hiện giá dầu thô thế giới đã tăng cao. Rất có thể sau Tết áp lực tăng giá sẽ khiến Bộ Tài chính phải chấp nhận một đợt tăng giá xăng dầu. Và như thế CPI tháng 2 sẽ khó mà không bị ảnh hưởng. Nhưng ngay cả khi dự báo của Cục Quản lý giá là chính xác thì 2 tháng đầu năm CPI đã chiếm quá nửa chỉ tiêu kế hoạch tăng CPI cả năm rồi. Tình hình này lại giống như năm 2010, thậm chí tệ hơn vì 2 tháng đầu năm 2010 chỉ số CPI ở mức 3,21% còn năm nay có thể là 3,5%.
Phân tích như thế để thấy mục tiêu kiềm chế CPI ở con số 7% là nhiệm vụ khó khăn trong năm nay. Đặc biệt nhiều ngành như điện, than, thép đều "đòi" tăng giá rất gay gắt và trong bối cảnh giá nhiều loại vật tư nhiên liệu trên thế giới đang tăng rất mạnh.
Chuyên gia kinh tế của ngân hàng ANZ khu vực châu Á dự báo: Lạm phát năm 2011 của Việt
Vì thế, trong những tháng tới rất cần những biện pháp quyết liệt để kiềm giữ CPI, đặc biệt trong vấn đề chi tiêu công, lĩnh vực tác động mạnh tới CPI nhưng đến nay vẫn chưa có mấy biện pháp xử lý hữu hiệu.