Nỗi lo hiện hữu

Hoàng Trâm
Chia sẻ Zalo

“Tem giấy” ma túy hay còn gọi là “bùa lưỡi”, “kẹo dán” đã xuất hiện quanh cổng trường học ở TP Hồ Chí Minh khiến phụ huynh học sinh vô cùng hoang mang, lo lắng.

Thực tế, tại Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận điều trị cho học sinh bị nghiện ma túy “tem giấy”. Ở Hà Nội, tuy chưa phát hiện trường hợp sử dụng nhưng nhiều người nhận định, nguy cơ có bệnh nhân nghiện “tem giấy” trong thời gian tới là khó tránh khỏi nếu ngành chức năng không can thiệp kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, đây là loại ma túy gây ảo giác cực mạnh, mạnh nhất trong tất cả các loại ma túy trước đó, nó không mùi, không màu, không vị có tên Lysergic Axit Diethylamide. Mỗi miếng tem có kích thước 1,5x1,5cm bằng giấy có nhiều hình con vật ngộ nghĩnh, nhân vật hoạt hình mà các em nhỏ yêu thích được tẩm tinh chất ma túy. Người sử dụng không cần hút, chích như loại ma túy khác mà chỉ cần xé miếng giấy nhỏ dán vào lưỡi, ngậm trong miệng hoặc mút. Ma túy sẽ “phát huy” tác dụng trong vòng từ 4 - 5 phút và kéo dài trong 10 - 12 giờ đồng hồ. Sau khi sử dụng, người “chơi” sẽ bị ảo giác, thấy những hình ảnh kỳ lạ như nhìn người khác lại tưởng là quỷ dữ, yêu tinh, yêu quái, lập tức giết hại, hay đứng dưới đất lại tưởng mình là siêu nhân bay lượn trên trời… Là chất gây ảo giác cực mạnh, nhưng sử dụng “tem” ma túy lại không cho kết quả dương tính với các test nhanh phát hiện chất ma túy hiện có tại Việt Nam. Đây đang là vấn đề thách thức đối với công tác phòng chống ma túy của ngành chức năng.
 Ảnh minh họa
Điều vô cùng nguy hiểm nữa là “tem” giấy đang nhắm vào đối tượng học sinh, lứa tuổi này các em chưa ý thức được nguy hiểm mà chỉ đơn giản nghĩ là một trò chơi. Trước mối nguy từ “tem” giấy, nhiều phụ huynh có kế hoạch ngăn chặn con em mình sử dụng bằng cách hạn chế cho tiền tiêu riêng, đưa đón con đúng giờ, đưa con đến bác sĩ để nghe tư vấn, thuê vệ sĩ theo dõi bảo vệ con… Về phía nhà trường, nhiều trường đã họp thông báo cho giáo viên biết về mối nguy hại của loại ma túy mới đặc biệt nguy hiểm này để giáo viên tuyên truyền cho học sinh. Các trường cũng trao đổi với ban phụ huynh nhằm có biện pháp phối hợp quản lý học sinh tốt hơn. 
Dẫu biết rằng, trong bối cảnh hiểm họa ma túy mới, cuộc chiến với ma túy còn dài và chưa có hồi kết. Nhưng trước những mối nguy đầu độc học sinh, giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước, mong rằng ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an tăng cường công tác quản lý địa bàn, nhằm chủ động các biện pháp quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện các hoạt động tội phạm về ma túy. Bên cạnh đó, cử trinh sát nắm tình hình tại địa bàn có trường học, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các quầy, cửa hàng, hàng rong nơi gần cổng trường để theo dõi, kịp thời phát hiện những trường hợp lén lút bán hàng cấm này.