Nỗi lo mai một nghề mây, giang đan Thông Đạt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai nổi tiếng khắp vùng với nghề mây, giang ...

Kinhtedothi - Thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai nổi tiếng khắp vùng với nghề mây, giang đan (MGĐ) phát triển từ nhiều năm nay. Đây là nghề phụ quan trọng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân địa phương.

Một thời hoàng kim

Người có công lớn nhất trong việc phát triển nghề MGĐ ở Thông Đạt là nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Theo ông Trọng, nghề MGĐ xuất hiện ở đây từ những năm 1975. Ban đầu, chỉ có vài hộ theo nghề, dần dần lợi ích do nghề đem lại đã thu hút đông đảo người dân tham gia vào sản xuất. Thời kỳ hưng thịnh nhất, có tới 80% số dân trong xã tham gia vào sản xuất mây giang đan. Tiện ích của nghề là có thể tranh thủ làm vào bất kể thời gian nông nhàn nào sau những buổi làm đồng, hay những lúc rảnh rỗi ngồi xem tivi. Mỗi ngày, một người lành nghề có thể làm được vài chục sản phẩm đơn giản, trừ chi phí cũng có thu nhập khoảng 100.000 đồng. Công việc khá an nhàn, ít độc hại, đặc biệt không giới hạn độ tuổi lao động hay giới tính, do đó từ người già, em nhỏ, những người khuyết tật cũng có thể tham gia đã biến nghề phụ thành nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Trọng với tác phẩm lục bình được đan bằng nguyên liệu mây (2)
Ông Nguyễn Hữu Trọng với tác phẩm lục bình được đan bằng nguyên liệu mây.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng cho biết, để có thể làm nghề thì người thợ ngoài đôi tay khéo léo còn cần có tính cẩn thận, kiên trì. Bởi, một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu, đến sơ chế, sau cùng là công đoạn đan, xiên tạo hình. Mỗi công đoạn có độ khó riêng và đều rất quan trọng liên quan đến tổng thể. Chỉ từ những dây mây, cây tre, cây giang qua bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những chiếc giỏ, lọ, cốc, khay, đĩa… với hàng trăm mẫu mã, kiểu dáng khác nhau, tất cả đều vô cùng độc đáo, tinh xảo và hữu dụng. Sản phẩm làm ra tùy theo kích thước mà có giá cả khác nhau, có loại chỉ vài ngàn đồng một chiếc, nhưng cũng có những sản phẩm dụng công, dụng sức có thể lên tới vài triệu đồng. Mỗi sản phẩm là tâm huyết của người thợ nên chất lượng luôn được ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy mà sản phẩm của làng chinh phục được cả thị trường Nhật Bản vốn nổi tiếng là khắt khe, khó tính, và các nước như Pháp, Nga…

Không chỉ làm hàng phổ thông, người thợ nơi đây còn sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.Trong số đó, không thể không kể đến tác phẩm độc nhất vô nhị do nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng sáng tạo ra là chiếc bục đặt tượng Bác Hồ được đan bằng những sợi mây, với những đường nét hoa văn tinh xảo, đẹp mắt, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam.

Làng nghề đìu hiu

Ông Trọng chia sẻ, thời kỳ hoàng kim của làng nghề nay đã không còn. Khoảng từ năm 2007 trở lại đây, hoạt động của làng nghề có chiều hướng giảm sút nghiêm trọng, đường làng đã thưa vắng những chuyến xe chở nguyên liệu, chở hàng. Nguyên nhân chính là bởi nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt, khan hiếm, trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, hàng xuất vẫn giữ nguyên giá đã ảnh hưởng lớn tới thu nhập của người lao động. Thu nhập không đảm bảo khiến người dân không còn mặn mà với nghề. Mặt khác, các khu công nghiệp mọc lên với mức lương hấp dẫn đã thu hút phần lớn lao động của làng nghề. Những người còn theo nghề trong làng hiện nay chỉ là người già, người khuyết tật và những người mất sức lao động. Bên cạnh đó, thị trường cùng loại của Trung Quốc và Thái Lan có nhiều ưu thế cạnh tranh hơn về mẫu mã và giá thành. Ông Nguyễn Văn Hoạt, thôn Thông Đạt, năm nay đã 72 tuổi chia sẻ: “Làm nghề này bây giờ thu nhập không cao, hai vợ chồng tôi làm cả ngày cũng chỉ được vài ba chục ngàn, các con tôi vì thế phải bỏ nghề để đi làm công nhân hết”.

Để khuyến khích người dân giữ nghề, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ trong việc mở lớp đào tạo nghề cho người dân, hỗ trợ một phần nguyên vật liệu cũng như dụng cụ làm nghề. Với những giá trị kinh tế cũng như ý nghĩa về mặt xã hội, làng nghề MGĐ Thông Đạt rất cần được hỗ trợ nhằm góp phần giữ gìn những tinh hoa độc đáo của làng nghề.