Nhờ có nghề này mà thôn Ba Dư đã thay da đổi thịt.
Cả làng làm nghề
Đến Ba Dư bây giờ, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa rộng rãi, nhà cao tầng mọc san sát. Khắp nơi rộn rã tiếng tách vầu và tiếng máy chẻ tăm, tất cả tạo nên một không khí làm việc tấp nập. Nghề chẻ tăm hương không yêu cầu cao về kỹ thuật, nên ai cũng có thể làm nghề để tăng thêm thu nhập. Người trẻ khỏe thì đảm nhận việc đứng máy, trổ tăm, còn người già và trẻ em thì ngồi tách vầu.
Theo lãnh đạo địa phương, Ba Dư hiện có 15 xưởng sản xuất quy mô lớn, mỗi xưởng thu hút trên 30 lao động thường xuyên và hàng chục lao động vệ tinh khác. Ngoài giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương, làng nghề Ba Dư còn thu hút đông đảo lao động từ nơi khác đến. Tùy vào hiệu quả làm việc, bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề được khách hàng rất ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng. Thị trường chủ yếu của làng nghề hiện nay là Ấn Độ và Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày, Ba Dư xuất đi hàng chục tấn tăm hương thành phẩm, đem về một nguồn thu không nhỏ.
Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Nguyễn Mạnh Hà cho biết, làng nghề Ba Dư có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tuy nhiên hiện nay, bài toán môi trường đang là nỗi trăn trở lớn của chính quyền và người dân nơi đây. Hàng ngày, làng nghề thải ra một lượng bụi lớn từ các lò sấy thủ công cộng với tiếng ồn của máy móc đã làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất tăm hương tại thôn Ba Dư chủ yếu vẫn sản xuất manh mún, chưa có quy hoạch. Theo chia sẻ của người làm nghề, một tạ vầu được 20kg tăm thành phẩm, phần còn lại là bụi bặm và mùn tăm. Ước tính mỗi ngày các xưởng thải hàng trăm tấn mùn vầu, nứa ra môi trường. Ngoài ra, việc trang bị bảo hộ lao động cho người làm nghề cũng chưa được quan tâm. Chị Nguyễn Thị Duyên, thôn Ba Dư than thở: “Từ ngày làm nghề này tôi bị ho mãn tính, dù đã mặc áo trong áo ngoài nhưng vẫn không ngăn được bụi tăm. Mùa Đông còn đỡ chứ mùa Hè thì khổ đủ đường”. Theo quan sát của chúng tôi, những người phụ nữ làm nghề chỉ khoác thêm chiếc áo chống nắng và đeo một chiếc khẩu trang mỏng. Còn nam giới do ngại vướng víu nên họ thường không có trang bị gì. Ngoài ra, tai nạn từ việc tách vầu và đứng máy tăm cũng thường xuyên xảy ra với người làn nghề.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay có một số DN đứng ra thu mua bụi tăm để ép thành than sưởi. Tuy nhiên, giải pháp đó cũng mới giải quyết được phần nào. Chính quyền địa phương cũng có đề án xây dựng điểm công nghiệp làng nghề tập trung, nhưng do còn vướng ở khâu giải phóng mặt bằng nên đến nay đề án vẫn chưa hoàn thành. Để làng nghề phát triển bền vững thì việc qui hoạch để có điểm làm nghề tập trung là điều cần thiết. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần tuyên truyền, giáo dục việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động đối với chủ DN và người dân. Có như vậy làng nghề mới phát triển bền vững và phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội, giải quyết tốt vấn đề việc làm nông thôn.