Theo nhiều chuyên gia, bản chất của hàng loạt đề xuất sửa 5 Luật Thuế vừa rồi từ Bộ Tài chính, vẫn là để tăng thu ngân sách và khiến gánh nặng thuế của người tiêu dùng chất chồng hơn cho dù cơ quan này có lập luận vì lý do nào chăng nữa.
Trong các đề xuất mới đây, Bộ Tài chính đưa ra khá nhiều ý tưởng giảm thuế, như giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người chịu thuế ở bậc 1, 2 và khẳng định đề xuất mới "chắc chắn có lợi cho người nộp thuế". Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thực tế đề xuất này không nhằm bảo vệ cho người thu nhập thấp.
Theo quy định, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập là 9 triệu đồng, như vậy, những người thuộc diện đóng thuế ở bậc 1, 2 mà sắp tới sẽ được đóng ít thuế hơn với mức 5% thay vì 10% theo dự thảo mới, vẫn phải có thu nhập từ tiền lương ít nhất trên 19 triệu đồng. Mức này khó có thể gọi là thu nhập thấp.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ kinh tế Bùi Trinh còn thẳng thắn cho rằng, việc Nhà nước giảm thuế thu nhập nhưng tăng những thuế khác đánh vào người tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng (VAT) là một hình thức "đứng về phía người giàu và đẩy gánh nặng thuế lên vai toàn dân".
Thực tế, việc Bộ Tài chính đòi tăng thuế VAT lần này khiến nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng lo lắng. Ý tưởng đang được đưa ra lấy ý kiến hiện nay là đưa thuế suất VAT các mặt hàng, dịch vụ vốn chịu thuế 5% lên 6%; nhóm mặt hàng dịch vụ thuế 10% lên 12% từ đầu năm 2019.
Như vậy, chi phí sinh hoạt của một hộ gia đình có hai vợ chồng và hai con chắc chắn sẽ tăng đáng kể nếu cùng lúc VAT của các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu đều "nhảy" thuế. Đầu tiên là nước sạch tăng từ 5% lên 12%, điện tăng từ 10% lên 12%; các loại rau, hoa quả hay chi phí thuốc chữa bệnh, dịch vụ vắc xin... tăng từ 5% lên 6%, thực phẩm đã chế biến như đồ uống, nước ngọt, quần áo, xăng, dầu, chi phí vận tải... đều tăng VAT từ 10% lên 12%. Như vậy, tất cả sẽ đổ lên đầu người dân trong khi mức giảm thuế thu nhập theo đề xuất của Bộ sẽ chẳng thấm vào đâu bởi chưa chắc hai vợ chồng họ được ở diện phải đóng thuế.
Thực tế, ngay cả khi chưa xuất hiện ý tưởng tăng các loại thuế tiêu dùng này, người dân đã "oằn lưng" với thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng - mặt hàng thiết yếu. Giữa năm ngoái, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng khung thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này từ mức 1.000 - 4.000 đồng lên 3.000 - 8.000 đồng. Như mọi khi, cơ quan nắm giữ "túi tiền quốc gia" vẫn lập luận là việc này là vì lợi ích quốc gia, vì mục tiêu bảo vệ môi trường.
Theo tính toán của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), nếu thuế VAT các mặt hàng tăng thêm 2% có thể giúp ngân sách thu thêm 59.000 tỷ đồng, từ đó tăng tỷ trọng thu ngân sách từ VAT của Việt Nam lên 33%. Theo các chuyên gia, tỷ lệ này là quá cao.
"Đây có lẽ là thông tin không tốt cho các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng", báo cáo của HSC nhận định. Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích của HSC cũng cho rằng đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp siêu nhỏ còn 15%, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn 17% mà Bộ này đưa ra cùng thời điểm với tăng các loại thuế trên sẽ không mang lại nhiều tích cực, nhất là khi vẫn tăng thuế VAT. "Mục đích của đề xuất này vẫn là nhằm tăng thu thuế và giảm sự phụ thuộc của Bộ Tài chính vào một số ít nguồn thu như hiện nay", HSC nói.
Không thể phủ nhận xu hướng tăng thuế VAT đang được nhiều nước nhắm tới, như Mỹ, Anh hay châu Âu. Tuy nhiên, họ chọn xu hướng tăng thuế tiêu dùng nhưng đồng thời sẽ giảm mạnh thuế thu nhập, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Thế nhưng, ở lần đề xuất này, Bộ Tài chính của Việt Nam lại thiên mạnh về "tăng" nhiều hơn "giảm" bởi mức độ giảm của thuế thu nhập cá nhân lẫn doanh nghiệp khá ít. Do đó, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cơ quan này nên cân nhắc bởi nếu tăng quá mạnh có thể gây tác dụng ngược. Theo chuyên gia Ngô Trí Long, thậm chí Bộ Tài chính còn nên giảm thuế bởi khi đó tổng số thu ngân sách mang về có thể còn lớn hơn.
Tại họp báo chiều 15/8, Bộ Tài chính đã công bố định hướng sửa cùng lúc 5 Luật về Thuế với một loạt những đề xuất tăng, từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, đến giá trị gia tăng (VAT)... Riêng với VAT, Bộ Tài chính đã đưa ra hai phương án tăng. Theo đó, phương án một các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ lên 6%; mặt hàng đang chịu thuế 10% lên 12%, bắt đầu từ 1/1/2019. Phương án hai tương tự, chỉ bổ sung mốc thời gian từ 2021 sẽ tiếp tục tăng thuế VAT lên 14%. Trong hai phương án này, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện phương án một.
Các đề xuất sửa Luật của Bộ Tài chính đang được đưa ra lấy ý kiến để trình báo cáo Chính phủ và có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong năm nay.