Kinhtedothi - Nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân 2 thôn Hương Gia và Thụy Hương, xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) lại thấp thỏm với nỗi lo bị nước nhấn chìm. Không chỉ cuộc sống và sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, 2 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng cũng đang đứng trước nguy cơ bị dòng nước cuốn trôi.
Đến hẹn… lại lo
Dẫn chúng tôi thăm đền Thụy Hương, trưởng thôn Thụy Hương Nguyễn Minh Phụng cho hay, trước năm 2012, hễ đến mùa mưa là nước sông Cà Lồ lại dâng cao gây ngập đến tận sân đền. Sạt lở trong nhiều năm khiến hàng chục mét vuông sân đền bị cuốn trôi. Trước bối cảnh đó, năm 2013, Nhân dân trong thôn đã đóng góp tổng cộng số tiền trên 300 triệu đồng để tu bổ, nâng cấp ngôi đền. Tường rào được xây dựng mới, nước sông đã không còn lấn vào sân đền, nhưng phần đất đền giáp bờ vẫn tiếp tục bị sạt lở mỗi mùa mưa bão tới. “May mắn” hơn so với đền Thụy Hương, đền Hương Gia đã được kè cứng, nhưng cũng chỉ được một đoạn dài chừng... 100m (!). Ngoài 2 di tích lịch sử - văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở, nhiều hộ gia đình và hàng chục héc ta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 thôn thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng khi mùa mưa tới.
Gia đình anh Nguyễn Văn Bình, ở đội 6, thôn Thụy Hương hiện canh tác 3 sào lúa tại khu vực đồng Dâu (ven sông Cà Lồ) cho hay, so với vụ Đông Xuân, năng suất lúa vụ Hè Thu thường chỉ bằng một nửa. Nguyên nhân là vào mùa mưa bão, nước sông lên cao, gây ngập phần lớn diện tích canh tác của gia đình. Hạch toán chi phí chỉ đủ thóc ăn, anh Bình phải đi làm hàn xì, gia công cơ khí, trong khi vợ anh lặn lội chạy chợ để kiếm thêm thu nhập.
Ông Phụng cho biết thêm, tổng diện tích đất nông nghiệp toàn thôn là 115ha thì đến mùa mưa bão bị ngập khoảng 35ha, chủ yếu là đất hai lúa của khoảng 200 hộ. Cũng giống như thôn Thụy Hương, thôn Hương Gia cũng bị nước nhấn chìm khoảng 20ha đất canh tác lúa hai vụ. Bên cạnh việc sản xuất bị ảnh hưởng, hàng chục hộ dân thôn Thụy Hương và Hương Gia sống ven sông cũng đang chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng, một số gia đình đã phải rời đi nơi khác sinh sống.
“Bất lực” vì chưa có vốn
Theo trưởng thôn Hương Gia Trần Văn Thông, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, đoạn bờ sông dài chừng 100m giáp với đền Hương Gia đã được kè kiên cố. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1.500m chạy dọc ven sông thuộc 2 thôn Thụy Hương và Hương Gia chưa được kè cứng. “Đã có một vài đoàn công tác về khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở, tuy nhiên sau đó, khi người dân hỏi thì lãnh đạo địa phương trả lời rằng chưa có vốn để thực hiện (kè cứng bờ sông Cà Lồ - PV)…” - ông Thông cho hay.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Cuộc sống bấp bênh do dòng nước cứ mỗi ngày một lấn sâu hơn vào bờ. Câu chuyện an cư dường như đeo đẳng mãi người dân nơi đây. Điều đáng nói, 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được Nhà nước xếp hạng năm 1990 là đền Hương Gia và đền Thụy Hương cũng đang đứng trước những nguy cơ khôn lường từ hiểm họa sạt lở bờ sông. Nếu không sớm có giải pháp kè cứng, việc những bức tường rào bị kéo trôi xuống lòng sông sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trước những vấn đề cấp bách nêu trên, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Phú Cường Trần Anh Tuấn bày tỏ quan ngại, lãnh đạo địa phương nhận thức sâu sắc những tác động của mưa lũ đối với sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân, đặc biệt là nguy cơ có thể xảy đến với 2 di tích lịch sử - văn hóa có ý nghĩa quan trọng trên địa bàn. Năm 2013 - 2014, xã đã huy động người dân đóng góp tiền, ngày công chở đất, đóng cọc gỗ nhằm gia cố bờ sông; cảnh báo cho các hộ sống ven sông, đồng thời, hỗ trợ các gia đình di chuyển vào sâu bên trong sinh sống. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Nhân dân địa phương rất mong TP quan tâm, đầu tư thực hiện các dự án kè cứng hóa bờ sông Cà Lồ trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cuộc sống và sản xuất cho người dân trước mùa mưa bão.
Cũng liên quan tới vấn đề đê điều trên địa bàn huyện, ông Phạm Quang Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, mới đây, TP đã có văn bản chỉ đạo cho xử lý cấp bách tình trạng sạt lở ven sông Cầu, đoạn qua thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng (vấn đề này đã được báo Kinh tế & Đô thị phản ánh trước đây ít lâu trong bài viết: “Thấp thỏm với nỗi lo nước cuốn” - PV). Đối với tình trạng sạt lở ven sông Cà Lồ thuộc địa bàn xã Phú Cường, huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ, báo cáo thường xuyên diễn biến dòng chảy, làm cơ sở trình TP có biện pháp xử lý trong thời gian tới.
Đền Thụy Hương nằm tiếp giáp sông Cà Lồ chưa được kè bờ. Ảnh: Lâm Nguyễn
|