Nỗi lo thường trực xe quá tải cày nát mặt đê

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng xe quá tải vi phạm các tuyến đê trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra ngày một phứ...

Kinhtedothi - Tình trạng xe quá tải vi phạm các tuyến đê trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra ngày một phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đê điều và gia tăng nguy cơ tai nạn trên đường đê. Làm thế nào để xử lý triệt để những vi phạm này là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Hiện trạng nhiều tuyến đê trên địa bàn TP xuống cấp nghiêm trọng đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân vùng ven sông và các cơ quan quản lý Nhà nước về đê điều. Nguyên nhân của tình trạng này được ghi nhận một phần là do xe quá tải vi phạm trên đường đê. Đáng lo ngại hơn, những vi phạm này diễn ra ngày một công khai, phức tạp.
Mặt đê hữu Hồng thuộc huyện Ba Vì xuống cấp vì xe quá tải.  	Ảnh: Lâm nguyễn
Mặt đê hữu Hồng thuộc huyện Ba Vì xuống cấp vì xe quá tải. Ảnh: Lâm nguyễn
Nhiều tuyến đê oằn mình

Có mặt trên tuyến đê tả Hồng, thuộc địa phận các xã Hải Bối, Võng La (huyện Đông Anh), xã Tráng Việt, Văn Khê (huyện Mê Linh), dễ dàng nhận thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đê nơi đây. Mặt đê mấp mô, lồi lõm với nhiều ổ trâu, ổ voi; hễ trời mưa là ứ đọng nước, trơn trượt rất khó đi. Trong khi, vào những ngày trời nắng thì bụi bay mù mịt. Chị Nguyễn Thị Lan (ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt) cho biết, ngày nào cũng hai lần chở rau bằng xe đạp ra chợ trung tâm xã để bán, tới điểm đường đê xấu, chị thường phải xuống dắt bộ qua vì chở hàng cồng kềnh, đi trên xe rất dễ bị ngã, đổ.

Ở phía Nam TP, tuyến đê hữu Hồng từ thị trấn Phú Minh đến xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên dài gần 16km cũng có hàng trăm vị trí bị hư hỏng nặng. Mặt đê được đổ bê tông dày 20cm, nhưng hiện nhiều đoạn đã nứt toác, gẫy khúc, lún sụt tạo thành ổ gà, ổ voi sâu 15 - 25cm, rộng 1 - 2m, kéo dài 10m. Hai bên đường đê cỏ dại mọc um tùm. Tại xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), các xã Phù Đổng - Trung Mầu (huyện Gia Lâm), nhiều người dân bức xúc cho biết, tuyến đê hữu Hồng, tả Đuống mới được xây dựng khoảng 3 năm nay, tuy nhiên, do ô tô chở đất, đá, khai thác cát khiến mặt đê hữu Hồng, tả Đuống lún sụt nghiêm trọng, và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT.

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, tuyến đường đê sông Hồng đoạn qua huyện Thường Tín xuất hiện hàng chục điểm bị xuống cấp gây ảnh hưởng cho việc đi lại. Nguyên nhân được xác định, do xe ô tô quá tải chở gạch, cát, đá từ các bãi tập kết vật liệu xây dựng ven sông Hồng trên địa bàn gây ra. Cụ thể, tại xã Thống Nhất có khoảng 200m đường đê với hàng chục hố sâu 40cm, rộng 10m gây khó khăn cho các phương tiện giao thông khi qua đây. Mỗi khi có mưa, nơi đây giống như ao tù bì bõm nước. Những hôm trời nắng, nóng, chỉ cần cơn gió nhẹ bụi cát bay tứ tung. Nghiêm trọng hơn phải nói đến tuyến đê qua xã Hồng Vân kéo dài gần 3km xuất hiện hàng chục điểm bị xuống cấp. Mỗi khi có mưa, nước đọng trên mặt đường thấm qua lớp thảm nhựa tạo ra những khe hở nứt toác như ô bàn cờ…

Ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT) cho biết, tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên một số tuyến đê diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông Hồng, sông Đuống (chủ yếu thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm, các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Mê Linh). Đáng nói hơn, tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để. 
Nỗi lo thường trực xe quá tải cày nát mặt đê - Ảnh 1
Tài xế coi thường pháp luật

Để tìm hiểu cụ thể nguyên nhân của tình trạng đường đê xuống cấp, phóng viên đã dành nhiều ngày “mật phục” trên tuyến đê tả Hồng đoạn qua địa phận các huyện Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên. Trên các tuyến đê này, chỉ trong một ngày, chúng tôi ghi nhận hàng chục chuyến xe tải chở cát, sỏi, đất đá, cùng nhiều loại vật liệu xây dựng khác nhau chạy qua. Thùng xe được tôn cao thêm hàng chục cen–ti–mét. Kính trước mỗi chiếc xe được gắn một tấm biển ghi tên người: Tuấn, Vinh, Lợi, Đạt… Do không được che chắn, đất, cát vương vãi suốt dọc đường đi. Đặc biệt, các đối tượng điều khiển phương tiện tỏ ra rất hung hãn. Cảm thấy “bị” quan sát, các tài xế di chuyển chậm, đưa cái nhìn rất thiếu thiện cảm về phía chúng tôi. Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên để ghi lại hình ảnh xe quá tải chạy trên đê, các tài xế thay vì e ngại đã quay ra chửi mắng, thậm chí là đe dọa. Cụ thể, một ngày đầu tháng 7, khi đang khảo sát trên tuyến đê tả Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh, chúng tôi đã ghi lại một số hình ảnh xe quá tải. Tài xế xe tải chở cát mang BKS 29C – 230.26 đã ngay lập tức dừng xe, thò đầu ra khỏi buồng lái, quát lớn: “Mày thích chụp ảnh không? Cút ngay!”.

Cũng trong quá trình khảo sát, chúng tôi ghi nhận hàng loạt phương tiện chở cát, vật liệu xây dựng quá tải di chuyển trên các tuyến đê dọc sông Hồng, sông Đuống thuộc địa phận các huyện Ứng Hòa, Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên mang BKS như: 30Y – 6325, 29C – 228.53, 30P – 2083, 29Y – 3079… Hầu hết các đối tượng sau khi bị ghi hình đều phản ứng lại, “hiền” thì thò đầu ra cửa sổ buồng lái hỏi: “Chụp ảnh làm gì đấy mày?”; hung hãn hơn là thái độ manh động như của tài xế xe tải mang BKS 29C – 230.26 nêu trên.

Có thể thấy, tình trạng vi phạm xe quá tải những năm qua là nguyên nhân cơ bản khiến các tuyến đê bị cày nát và ngày một xuống cấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn đê điều mùa mưa bão, mà còn khiến khoản ngân sách lớn hàng năm UBND TP đầu tư cho công tác tu bổ, nâng cấp đê điều giống như... muối bỏ bể.
(Còn nữa)
Thống kê cụ thể tình trạng đê điều tại một số địa phương cho thấy, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có 16,6km thì 9,1km mặt đê bị cày nát. Huyện Thường Tín có 8 vị trí dài 2,64km, mặt đê bị vỡ nát cần được xử lý cấp bách. Tại huyện Đông Anh, hiện có trên 4km đê khu vực các xã Hải Bối, Võng La không còn giữ được nguyên trạng, mặt đê bong tróc, trơ đá cuội. Tương tự, gần 19,7km đê tả Hồng huyện Mê Linh, đê hữu Hồng huyện Ba Vì đã xuất hiện nhiều điểm lún, sụt, mặt bê tông bị nứt, vỡ, xuất hiện ổ trâu, ổ voi...