Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nói ngọng khiến nhiều người mất điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi Sở giáo dục Hà Nội có chủ trương sửa nói ngọng "l, n", nhiều người nghi ngờ hiệu quả của việc làm này, cho rằng “cách nói đã ngấm vào máu nên không thể sửa”, nhưng các chuyên gia ngôn ngữ khẳng định nên sửa và hoàn toàn thực hiện được việc này.

Trong nhiệm vụ năm học 2011-2012, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra vấn đề "Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu "l, n" đối với 13 huyện ngoại thành Hà Nội. Theo đó, 13 huyện ngoại thành Hà Nội đang giảng dạy cách phát âm đúng cho cả giáo viên và học sinh nhằm giúp người dân thủ đô nói giọng phổ thông chuẩn xác.

Dù vậy cũng có những người cho rằng nói ngọng là đặc trưng của một số địa phương, do đặc điểm địa lý, nước uống… nên không thể sửa.
Theo tiến sĩ Phạm Tất Thắng, trưởng phòng từ vựng học, Viện Ngôn ngữ, thì ngọng "l, n" không chỉ tồn tại ở các huyện ngoại thành tại Hà Nội mà phổ biến ở khá nhiều tỉnh thành miền Bắc. Có nhiều dạng nói ngọng "l, n" như: đọc tất cả các từ có phụ âm đầu l thành n và ngược lại n thành l, hoặc lẫn lộn giữa hai phụ âm này.

Tiến sĩ Thắng cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây nói ngọng, như văn hóa, địa lý, sinh học (cấu tạo bộ phận phát âm). Nếu xét về lịch sử sâu xa thì có thể do khuynh hướng giảm phụ âm đầu ở một số vùng. Chẳng hạn, người miền Trung phân biệt “x,s” rất rõ ràng, miền Bắc thì chọn cách dễ đọc thôi là “x” hoặc “ch, tr” cũng chọn đọc nhẹ hơn. Tương tự, ở nhiều nơi, người ta không nói phân biệt hai phụ âm ‘"l, n"’ mà có khuynh hướng quy về một cách phát âm giống nhau cho “tiện”, ví dụ, nói hết thành l hoặc n.

Tuy nhiên, với những người nói chuẩn, kiểu ngọng "l, n" nghe rất phản cảm. Nó cho thấy người nói có trình độ chưa cao.

Theo phó giáo sư Hoàng Anh Thi, giám đốc trung tâm ứng dụng ngôn ngữ và Việt Ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội, cách phát âm vùng miền không phải là nói ngọng mà là phương ngữ, đó là khi tất cả mọi người ở địa phương đó có cách nói giống nhau: chẳng hạn, người miền trung không nói được dấu ngã, hay một số vùng ở Nam Định thì đọc phụ âm “r” rất rõ, rất rung… Còn phát âm nhầm lẫn giữa l với n là nói ngọng, là lỗi của một số người ở một số vùng chứ không phải tất cả.

“Không có chuyện do đặc điểm địa lý hay nước uống khiến người ta nói ngọng. Nguyên nhân lớn nhất chính là sự dễ dãi khi nói, không phân biệt được nói đúng, viết đúng chính tả và khi mắc thì chưa có ý thức sửa”, nhà ngôn ngữ nói.

Theo bà, điều đáng nói là hiện tượng này còn có xu hướng lây lan. Trước đây, chỉ có những người trình độ học vấn không cao mới hay nói ngọng, nhưng giờ có thể thấy nhiều người có trình độ, là kỹ sư, bác sĩ, thày cô giáo cũng vẫn nói, viết sai "l" và "n". Lý do là thế hệ sau chịu ảnh hưởng của thế hệ trước, ông bà, bố mẹ nói, con cháu nghe và bắt chước… Ngoài ra, một phần vì nhiều người trẻ lười đọc văn học – trong văn học ngôn ngữ chuẩn, không bị lỗi - mà lại say mê truyện tranh.

Bà Thi cho rằng, việc sửa nói ngọng là cần thiết, bởi nó hướng tới cái chuẩn, cái đẹp của việc sử dụng ngôn ngữ. “Việc này hoàn toàn có thể làm được và phải làm dần dần, từ dưới lên, nghiêm khắc từ cấp giáo dục nhỏ. Đặc biệt, giáo viên tuyệt đối không được mắc lỗi này. Khi con trẻ nói chuẩn, có thể còn giúp chỉnh lại cho bố mẹ, ông bà”, tiến sĩ bày tỏ.

Từng là cô giáo dạy văn nhiều năm, bà Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống, cũng có cùng quan điểm này. Bà Thủy cho rằng, việc phát âm chuẩn cũng là một yếu tố cần thiết tạo nên sự tự tin. Nhiều thanh niên mất điểm khi đi xin việc hay trong quá trình xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp tại nơi làm việc chỉ vì nói "l" thành "n" hay ngược lại. Một số bạn trẻ tìm cách che đậy lỗi này của mình bằng việc cố phát âm nhỏ đi mỗi khi nói tới các từ có phụ âm này. Điều đó chỉ càng khiến các bạn không tự nhiên, thậm chí mất tập trung vào đề tài mình nói, ảnh hưởng tới chất lượng giao tiếp, nhất là khi thuyết trình.

Theo nhà giáo, muốn sửa lỗi nói ngọng, đầu tiên phải tìm hiểu nguyên nhân: do thói quen, cách dùng từ tùy tiện hay vì nhầm lẫn, không biết phân biệt khi nào dùng "l" hay "n". Trong cả hai trường hợp đều cần quyết tâm khắc phục và cần cố gắng tìm cách sửa triệt để.

Dưới đây là một số cách giúp tự sửa nói ngọng "l, n":

- Đọc nhiều sách văn học – tham khảo ngôn ngữ chuẩn để biết rõ cách dùng từ.

- Tự nói, tự thuyết trình các đoạn nhỏ rồi ghi âm và nghe lại. Bạn sẽ nhận rõ lỗi của mình và thấy việc sửa cần thiết như thế nào. Thực hiện việc này nhiều lần, cho tới khi bạn hài lòng với khả năng diễn đạt của mình. Có thể nhờ một người phát âm chuẩn, có chuyên môn giúp đỡ.

- Tập nói những câu hay sử dụng, có các từ dùng phụ âm "l, n" hằng ngày, cố gắng nói chậm ở những từ đó. Bạn cũng có thể nhờ một người thân lắng nghe, chỉnh sửa giúp mình trong quá trình này.

- Ngậm một viên sỏi trắng, nếu nói ngọng "n" thành "l' thì đặt viên sỏi ở trên lưỡi, nếu ngọng "l" thành "n" thì đặt sỏi bên dưới lưỡi rồi tập nói các từ có các phụ âm này.

Theo nhà giáo, điều quan trọng là người sửa thực sự có ý thức, mong muốn sửa được và thật kiên trì. Người hướng dẫn cũng cần nhẫn nại, biết hài hước, khuyến khích, không chê bai.