Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi nhớ mùa Đông

Nguyễn Minh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoa sữa còn thơm mà ai cũng nhắc mùa Đông, đoán già, đoán non xem có lạnh không, đám thanh tân có phần ngóng trông. Chẳng phải vì khăn áo mới mà vì đôi bàn tay mùa này, có khi được ủ ấm.

 Đến hẹn lại lên, Đông đã về. Mấy người xem lịch để biết giời đã lập Đông, hay chỉ nghe qua tín hiệu sương gió, hanh hao và cúc họa mi về phố.

Lại nhớ, từng có những mùa Đông xứ Bắc se sắt lạnh, cồn cào đói. TP trôi trong mưu sinh và mong ước no cơm, lành áo. Cúc kim lưa thưa bến sông Hồng. Con người, dòng sông, đất phù sa ngoài bãi và hoa vẫn kiên nhẫn đếm ngày tháng, nhắc nhau đem sắc hương về phố.

Thế rồi dần dà, áo người ấm hơn, hoa rung rinh về phố cũng nhiều hơn. Từ cái bắt mắt hôm nào, từng khóm, từng luống cúc kim được chi chút trong vườn nhà mỗi mùa ngày một nhiều hơn. Và rồi, cúc kim trở thành sử giả đón mùa Đông về với thị thành. Và cũng từ đâu không rõ, cúc kim mang tên cúc họa mi. Người ta thắc mắc, hỏi nhau có khi không thống nhất tên gọi đến tranh cãi, nhưng vẫn chung tình yêu với loài hoa trắng, nhị xanh giản dị và đáng yêu này.

Thiếu nữ Hà thành bên hoa cúc họa mi. Ảnh: Phạm Hùng
Thiếu nữ Hà thành bên hoa cúc họa mi. Ảnh: Phạm Hùng

Áo bao người đẹp hơn, hoa cũng đến với mỗi tư gia thường xuyên hơn và cũng từ lâu người Hà Nội có thói quen chơi với cúc họa mi suốt mùa. Mua những bó hoa về cắm thôi chưa đủ, người ta ra phố với hoa, ra phố chỉ vì hoa. Có những xe hoa về phố chỉ một màu cúc họa mi. Họa mi về con phố đẹp nhất Nguyễn Chí Thanh với đám sinh viên vòng trong vòng ngoài làm dáng với xe cúc của mùa Đông. Họa mi cũng suốt phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Ô Quan Chưởng… Không chỉ người Hà Nội mà người tỉnh xa không quản đường xa cũng muốn hẹn hò với hoa, với ảnh ở những con phố này.

Để ý sẽ thấy trước đây cúc họa mi hiếm có ở địa bàn quận Hà Đông, mà nay hoa đã hiện diện rất nhiều ở cả khu chợ bán buôn và những hàng bán lẻ. Người mạn Hà Đông nhắc, hay người trồng, người bán đã kịp thời mở rộng thị trường không biết, chỉ thấy hoa buộc trên xe đã theo người rẽ về từng con ngõ, từng lối chung cư. Mùa xôn xao, phố vui, người bán hoa, người yêu hoa vui cả.

Cũng mươi năm rồi có những vạt hoa không về phố mà hoa ấy ở bên sông đón người. Hoa đón người hướng ngoại muốn có tấm hình khoe bè bạn. Hoa đón người hướng nội, chụp tấm ảnh để nhớ mùa, để so sánh với mùa sau.

Mùa cúc họa mi không dài, chỉ đôi ba tuần, nhưng nao nức vô cùng, bởi hết mùa hoa, TP và cả đất Bắc sẽ lạnh. Vẫn cái lạnh xưa cũ của đất trời này mà sao cứ sang Đông là thấy mùi hành hoa, mùi tàu, mùi ta thơm lạ hơn. Mùi thơm của Tết.

Chẳng thế mà đôi buổi chợ những quả bưởi rám, bưởi không cành nhiều hơn, người mua có lời chê thì được giải thích: “Những quả đẹp em để dành đến Tết”. Rõ là đã thấy trên lịch, rõ là đã đến mùa Đông, nhưng lời nhắc này như kéo Tết về gần hơn với những soạn sửa, toan lo.

Cho dù đã có những cánh đồng thâm canh bát ngát, nhưng xem ra chợ phố mùa Đông vẫn có nhiều nông sản từ xen canh gối vụ, từ ngoại thành đem vào. Những làng xã, huyện lỵ như: Thạch Thất, Thanh Oai, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì… vẫn “ôm” lấy phố như xưa bằng cách của mình. Đó là, mỗi loại chỉ đôi ba nắm mớ, ruộng nhà mình, nhà hàng xóm đến lứa có bao nhiêu thì đem ra tỉnh bán cho được giá. Đành là chợ đông người, nhưng có duyên là tìm nhau, ai cũng muốn mua những rau củ, hoa trái đầu mùa của nhà trồng được này hơn.

Vãn chợ, người bán rau về ngoại thành trong gió lạnh, người đô thành cũng vượt qua tắc đường về mái ấm của mình. Người thì bảo “Xưa lạnh hơn”, người lại nói “Không, giờ thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều. Xưa áo ba manh là đủ, giờ áo đơn áo kép vẫn lạnh”.

Lạnh có khi đã trở thành đặc sản của đất Bắc. Phố lên đèn sớm hơn, trên những con phố lạnh mọi người vội vã hơn thì phải. Người bán ngô, khoai, đồ nướng cũng dọn hàng sớm hơn. Người bán trà chén cạnh đó cũng đã pha ấm trà mới đón khách đi chơi tối “thưởng rét”… của mùa.

Hồ Gươm ấm hơn bởi áo con gái đẹp, bởi cái xuýt xoa trước hàng nướng thơm phức. Hồ Tây gió, nhưng quán nướng vẫn đông nghèn. Quán cà phê trong quán ấm hay cốc trà nóng bên hồ đều hút khách bằng cái lạnh của mùa, bằng một vòng tay ấm khi trời tắt nắng đã lâu.

Lạnh theo người về nhà, đèn thắp sáng, cúc rung rinh, bữa ăn tối đã sẵn sàng. Cá kho giềng nâu thấm, bát canh khoai tây có màu cà chua đỏ, đĩa dưa cải già thơm vị rau răm, lại đĩa rau sống cạnh bát cà chua chưng nhiều hành củ tước mỏng quăn tròn rắc lên trên. Bữa ăn của mùa Đông nhiều hương vị thơm ngon gợi nhớ.

Nhớ gió bấc năm xưa, gió quẩn, nấu được bữa cơm khói toét mắt. Nhà dỡ khoai chiều, thì bữa tối mẹ nấu canh luôn cho các con khỏi thắc thỏm. Khoai cạo, bổ đôi bổ tư bở tơi nhưng còn ngái xè. Ngon và nhớ quá!

Nhớ phạng mỡ trong chạn mùa Đông vơi đi trông thấy, mẹ phải nhắc chị ăn dè. Mùa Đông bữa ăn có mỡ cũng ấm bụng hơn nhiều. Em chẳng biết gì chỉ mong ngày rán mỡ để được ăn bát tóp mỡ thơm dòn. Mùa đông lại được ăn rau cải xào, bắp cải xào cà chua ngọt lịm. Góc vườn có cây cà quanh năm, mùa đông vẫn cho quả đủ bữa muối xổi, giòn thơm ăn với canh nấu thật không gì bằng…

Nhớ những tối lạnh cóng, không buồn rời bếp lửa lên giường đi ngủ. Mẹ thì nhắc chị mai trông giời hửng thì đun nồi bồ kết, lá thơm tắm gội cho các em.

…Mới đó đã mấy mươi năm. Trong câu chuyện vẫn nhắc: đường về Hà Tây cũ, về Đoài, đi lối quốc lộ 32 hay đi cao tốc Thăng Long. Về bên sông đi lối Long Biên hay ô tô thẳng tiến cầu mới Nhật Tân… Vẫn con đường ấy về ngoại thành mà chẳng thấy xa cách như xưa. Hai bên đường những bông hoa màu tím vẫn bền bỉ trong hanh hao. Cuối cánh đồng phơi ải vẫn còn những chân ruộng trồng màu nhưng nhìn về xa chỉ thấy những tòa nhà cao ngất. Phía ấy, phố đã lấn làng… Gió Bấc vẫn thổi khi thì vào làng, lúc lại về mạn phố. Người ta vẫn đi về trong gió lạnh xôn xao, cổ, kim đều trong một niềm yêu nhớ…