Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Nỗi niềm bác sĩ tâm thần”

Hải Lý - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không tấp nập kẻ ra người vào, không chen chân đợi chờ khám bệnh, không có chuyện người nhà cầu cạnh, nhờ vả bác sĩ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức vắng vẻ, có phần đìu hiu. Nhưng ở nơi ấy, đang điều trị cho 220 người bệnh tâm thần nội trú, tất cả y bác sĩ đều đang gồng mình điều trị, chăm lo cho người bệnh.

Niềm vui đọng lại
Chúng tôi ghé thăm Bệnh viện (BV) Tâm thần Mỹ Đức một ngày đầu tuần. Tiết trời khá u ám, những đám mây xám xịt vẫn lững lờ trôi, vô định, che lấp ánh mặt trời. Như những đám mây kia, những bệnh nhân ấy - họ phó mặc đời mình trong… vô định.
Khoa Nữ khá đông bệnh nhân, có bệnh nhân bằng tuổi chúng tôi, có bệnh nhân tuổi cao sức yếu, tâm thần mãn tính, điều trị ở BV hơn 30 năm nay, có bệnh nhân còn rất trẻ, tuổi mới mười tám, đôi mươi.
Lướt qua những khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt vô định ngồi dưới gốc cây ngoài sân, chúng tôi biết mình hoàn toàn bị lãng quên, như không có mặt đối với họ. Người thẫn thờ ngắm đất trời, người cúi gằm mặt ngắm đàn kiến bò qua rồi cười như nắc nẻ, người nói liên miên không ngớt. Có người cả ngày, cả tháng chẳng hé răng nửa lời, nhưng bất chợt lại hét lên, chửi rủa, nhảy xổ vào đánh, đấm bác sĩ.
 Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Lê Văn Loát thăm khám cho bệnh nhân.
Phó Giám đốc BV Lê Văn Loát - người gắn bó với bệnh viện từ ngày còn là một chàng sinh viên y khoa mới tốt nghiệp nhớ tên từng bệnh nhân, từng hoàn cảnh, bệnh tình người bệnh.
Trong suốt 34 năm sống chung với người bệnh tâm thần, cũng như nhiều y, bác sĩ nơi đây, anh đã từng nhiều lần bị bệnh nhân uy hiếp, tấn công dữ dội khi họ lên cơn kích động. “Có lúc nào anh nản, muốn chuyển đơn vị công tác không?” - tôi hỏi, anh cười hiền: Ai cũng muốn bỏ nghề hay chuyển công tác, thì còn ai chăm sóc bệnh nhân tâm thần? Rồi anh trầm ngâm kể, lúc lên cơn, họ hung dữ lắm, 4 - 5 y tá, bác sĩ phải giữ, cố định chân tay để tiêm thuốc. Có những người khi vừa bước chân vào BV, họ chửi rủa không ngớt lời, lên cả phòng giám đốc, phó giám đốc, bác sĩ, điều dưỡng để chửi, nguyền rủa.
Đó là lúc họ “điên”, còn khi “tỉnh”, họ lại hiền vô cùng, biết lỗi và tỏ ra ăn năn, hối hận vì trót làm… bác sĩ buồn. “Họ đáng thương lắm, nhiều người bị hàng xóm kỳ thị, gia đình bỏ rơi, nếu mình không quan tâm, chăm sóc, điều trị cho họ, thì liệu họ có còn cơ hội trở về cuộc sống đời thường” - bác sĩ Loát bày tỏ.
Chia sẻ những kỷ niệm về nghề, anh bảo nhiều vô kể, chẳng thể nhớ hết, nỗi buồn đều qua đi, niềm vui đọng lại. Điều tuyệt vời nhất là khi nhìn thấy những người sau một thời gian điều trị, trở về hòa nhập cộng đồng, có những người còn rất trẻ, họ lại tiếp tục đi học và thành đạt. Niềm vui ấy được đánh đổi bằng sự hy sinh, tâm huyết của thầy thuốc. Vạch mái tóc điểm bạc cho chúng tôi xem vết sẹo lõm khá to trên đầu, anh nhớ như in ngày bị bệnh nhân lên cơn, cầm cả viên gạch phang vào đầu khiến anh lún sọ, máu chảy ồ ạt. Hay có lần giữa trưa, một mình anh lao xuống giếng khi phát hiện bệnh nhân nhảy xuống giếng… tắm cho mát. “Không hiểu sao lúc ấy mình có sức mạnh phi thường đến vậy, nếu bệnh nhân không hợp tác, họ có thể nhấn chìm mình chết đuối ngay tức khắc. May mắn, khi đưa được bệnh nhân lên rồi mới hoàn hồn” - anh kể.
Có thâm niên gắn bó với bệnh nhân tâm thần hơn 20 năm qua, Điều dưỡng trưởng Khuất Thị Chiêm cho biết, điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi sự kiên nhẫn, có bệnh nhân mất hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều bệnh nhân gắn với BV suốt đời.
Tùy mỗi người bệnh, nhân viên y tế lại có cách chia sẻ khác nhau, lúc như người thân, lúc như bạn bè, thậm chí lúc như trong vai người yêu để họ thủ thỉ, trải lòng, trút hờn giận, xả strees... Niềm tin và sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của bệnh nhân đều gửi gắm hết cho các bác sĩ, y tá và điều dưỡng. Mỗi viên thuốc được bệnh nhân uống đều đặn, mỗi nụ cười nở trên môi là cả một quá trình cần mẫn chăm sóc người bệnh.
Y, bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức gội đầu cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Tú
Hơn 20 năm qua, chị chứng kiến biết bao hoàn cảnh người bệnh tâm thần, có người nhà ở gần, gia đình có điều kiện cũng chẳng mấy khi đến thăm con. Họ đưa con vào BV là coi như xong nhiệm vụ. Thậm chí có gia đình, đưa bệnh nhân đến thả vào cổng BV rồi đi về, coi như BV phải có trách nhiệm đưa họ vào khám, chăm sóc và điều trị.
Có bệnh nhân điều trị ở đây hơn 30 năm nhưng thi thoảng mới có người nhà đến thăm. Riêng trường hợp của bà Nguyễn Thị Ng., 71 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội, nhà neo đơn, có duy nhất mỗi anh trai là người thân. Mấy năm qua, anh trai của bà cũng già yếu, không còn đến thăm bà nữa. Bà ở miết trong BV không về, từ thuốc thang, tắm gội, ăn uống… đều một tay bác sĩ, điều dưỡng lo.
Dù tận tình với bệnh nhân đến vậy, nhưng chẳng mấy khi bác sĩ, điều dưỡng nơi đây nhận được lời cảm ơn từ người bệnh, với người nhà người bệnh lại càng không. “Mỗi lần có người bệnh cảm ơn là chúng tôi mừng rơi nước mắt, bởi quá trình điều trị từ khi họ lên cơn, hay trầm cảm triền miên đến lúc họ biết nhận thức là một quá trình vô cùng dai dẳng, tốn công sức”, điều dưỡng Chiêm chia sẻ. Là một bác sĩ, nhưng những ngày Tết hay ngày lễ của ngành cũng chẳng bao giờ có một bông hoa hay một lời chúc từ người bệnh. “Lắm lúc cũng tủi thân lắm chứ, nhưng nghề của mình là vậy, chỉ mong bệnh nhân tiến triển, sớm khỏi bệnh và trở về với gia đình” - chị nói.
Còn đó những nỗi niềm
Nhiều năm rồi, bà chẳng có người thân đến thăm, nhiều năm rồi, bố mẹ đã quên em, em nhớ mẹ lắm, nhớ cha vô cùng… Ở “cõi điên”, có những bệnh nhân lại “tỉnh” vô cùng khi nhớ về người thân, gia đình. Nơi ấy, chỉ có y, bác sĩ là những người “mẹ hiền” chăm sóc bệnh nhân như những đứa trẻ.
Bệnh nhân Nguyễn Thị A. (Mỹ Đức, Hà Nội) rớt nước mắt khi tâm sự với chúng tôi, em nhớ bố mẹ, gia đình, em muốn trở về, không điều trị nữa. Bác sĩ Trương Văn Tuần - Khoa Nữ cho biết, A. cũng như nhiều bệnh nhân ở đây, bị bệnh tâm thần phân liệt, rất khó khăn trong điều trị và đặc biệt bệnh dễ tái phát. Cũng điều trị ở Khoa, có bệnh nhân Nguyễn Thị Tâm, khi mới mắc bệnh, nghĩ con mình là “người giời”, gia đình đã lập điện cúng bái mất hàng trăm triệu đồng, nhưng càng cúng, bệnh tình càng nghiêm trọng. Khi đó, người nhà mới đưa đi viện thị bệnh đã rất nặng.
Cũng theo bác sĩ Tuần, tại BV, hầu hết các bệnh nhân tâm thần trước khi nhập viện đều được các gia đình mời thầy về “bắt vong” vì cho rằng, bệnh của con mình bị “ma hành”. Nhiều gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ, phải đi vay mượn để cúng bái nhưng bệnh không khỏi. “Tâm thần là một căn bệnh, phải điều trị bằng thuốc và liệu trình tâm lý. Đáng tiếc là nhiều người vẫn còn mê tín dị đoan, cúng bái, vừa tốn kém, lại còn khiến người bệnh mất cơ hội điều trị ở giai đoạn đầu. Hầu hết bệnh nhân vào BV đều là bệnh nặng, sau khi “vái tứ phương” không khỏi mới tìm đến chúng tôi” - bác sĩ Tuần cho biết.
Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống hiện đại khiến con người chịu nhiều áp lực, bởi vậy, số lượng người mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng. Mấy năm gần đây, BV thường xuyên có trên 200 bệnh nhân nội trú, thời điểm hiện tại là 220 bệnh nhân, trong khi chỉ có 28 bác sĩ. Ngoài ra, các trung tâm y tế huyện trên địa bàn không có bác sĩ chuyên khoa, nên Sở Y tế yêu cầu BV bố trí bác sĩ về tập huấn cũng như khám chữa bệnh ở cơ sở. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị y tế của BV vẫn còn thiếu thốn, xuống cấp.
Chia tay chúng tôi, điều trăn trở nhất các bác sĩ muốn gửi gắm là người thân, cộng đồng hãy quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn, đừng kỳ thị, xa lánh họ. Cứu những cuộc đời tâm thần không chỉ bằng thuốc mà bằng cả tình thương yêu, trách nhiệm, bằng trái tim nhân ái của mỗi người.

Ở “cõi điên”, có những bệnh nhân lại “tỉnh” vô cùng khi nhớ về người thân, gia đình. Nơi ấy, chỉ có y, bác sĩ là những người “mẹ hiền” chăm sóc bệnh nhân như những đứa trẻ.