“Nỗi niềm” của khách hàng dự án “Thành phố trong mơ” Usilk City

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã bỏ ra hàng tỷ đồng, thậm chí chấp nhận đóng đủ tiền với mong muốn sớm nhận được nhà của khách hàng dự án “Thành phố trong mơ” Usilk City, nhưng sau 13 năm, dự án này vẫn chỉ là một khối bê tông dang dở.

13 năm dở khóc - dở cười

Ông Phạm Văn Mẫn, quê ở Hải Phòng cho biết, năm 2009, gia đình ông có gom góp một khoản tiền để mua căn hộ tại tòa CT-108 dự án Usilk City thuộc khu đô thị mới Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long (Công ty Sông Đà Thăng Long) làm chủ đầu tư.

Nhưng đến tận thời điểm này, gia đình ông vẫn chưa nhận được nhà mặc dù đã nộp tiến theo tiến độ hàng tỷ đồng. Cuộc sống gia đình hiện gặp nhiều khó khăn, bất ổn do đã nộp khoản tiền lớn nhưng hơn 10 năm qua không nhận được nhà và cũng không thể lấy lại để đi mua nơi khác.

Suốt 13 năm chờ đợi, không ít khách hàng của dự án Usilk City đã mất mà chưa nhận được nhà.
Suốt 13 năm chờ đợi, không ít khách hàng của dự án Usilk City đã mất mà chưa nhận được nhà.

“Năm 2009, tôi gom góp tiền mua căn hộ dự án này cho con gái có chỗ ở để an tâm học đại học. Nhưng đến nay con tôi đã học xong, đi làm, lập gia đình và có 2 cháu rồi mà vẫn chưa nhận được nhà, tiền thì không lấy lại được nên vẫn phải chấp nhận đi thuê chỗ ở” - ông Mẫn bức xúc nói.

Tương tự là trường hợp của bà Nguyễn Thanh Bình (67 tuổi), bà và chồng có ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án Usilk City vào năm 2011, với mục đích làm chỗ ở dưỡng già. Nhưng đến năm 2016 chồng bà mất mà vẫn chưa một lần được nhìn thấy căn hộ “trong mơ” của mình.

“Cho đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện, chủ đầu tư nhiều lần “bội hứa” với khách hàng, bản thân tôi đến giờ cũng chưa biết khi nào dự án hoàn thành và cũng không biết tôi có kịp được dọn về ở căn nhà “trong mơ” của mình hay không nữa?! Tôi và hàng trăm khách hàng đã mua nhà ở dự án này rất bức xúc vì dự án chậm bàn giao nhà cả chục năm trời, mà không thấy có động thái tích cực khắc phục, xin lỗi khách hàng” - bà Bình ngậm ngùi.

Theo ông Phạm Văn Quý - Ban đại diện khách hàng dự án Usilk City, dự án này được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt và cấp giấy phép đầu tư, đến năm 2008 dự án chính thức được triển khai xây dựng. Đến đầu năm 2009 chủ đầu tư bắt đầu triển khai bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong thời gian từ 2009 - 2012, chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán căn hộ cho gần 2.000 khách hàng, tổng số tiền chủ đầu tư đang nắm giữ của khách hàng và tổ chức tín dụng là 8.302 tỷ đồng, trong thu của khách hàng hơn 4.000 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các tổ chức tín dụng.

Nhiều hạng mục công trình của dự án nằm đắp chiếu nhiều năm có dấu hiệu xuống cấp.
Nhiều hạng mục công trình của dự án nằm đắp chiếu nhiều năm có dấu hiệu xuống cấp.

“Năm 2015 chủ đầu tư bàn giao được 3/9 tòa cho khách bao gồm tòa 101,102,103 của cụm nhà CT1, nhưng chất lượng không như những gì đã cam kết trong hợp đồng. Thậm chí nhiều căn hộ chủ đầu tư bàn giao thô cho khách hàng đến nay vẫn còn nợ tiền hoàn thiện lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các tòa còn lại vẫn nằm “đắp chiếu” hoặc thi công “nhỏ giọt” hình thức cho có mỗi khi khách hàng tổ chức khiếu kiện. Hơn 700 khách hàng đã nộp tiền tiến độ từ 70 - 100% giá trị hợp đồng từ năm 2012, đến nay chưa có nhà ở vẫn phải đi thuê chỗ ở tạm thời” – ông Quý cho hay.

Chủ đầu tư nhiều sai phạm?

Dự án Usilk City được khởi công từ quý II/2008, theo hợp đồng ký với khách hàng, các tòa nhà 101, 102, 103 của cụm CT1 sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào tháng 3/2012; các tòa nhà còn lại là 104, 105, 106, 107, 108 bắt đầu bàn giao từ cuối năm 2012 và hoàn thiện vào quý III/2013, nhưng toà 106, 107 của cụm CT3 và CT4-108 mới xây được 6 tầng thô và hiện đang nằm bất động.

Riêng tòa 104 của cụm CT1 vào năm 2018 đã rục rịch triển khai trở lại, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ xây dựng một cách cầm chừng mà bên phía chủ đầu tư không đưa ra lý do chính đáng.

Trước những kiến nghị từ Ban đại diện khách hàng của dự án, phóng viên đã liên hệ làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội được biết, Sở Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra đối với dự án Usilk City, trong quá trình triển khai xây dựng xảy ra nhiều sai phạm.

“Chủ đầu tư không chỉ chậm về tiến độ thi công mà còn vi phạm quy định về huy động vốn theo luật Kinh doanh BĐS, việc đã huy động từ 70 - 100% giá trị hợp đồng ở nhiều căn hộ là sai quy định. Bên cạnh đó, các tòa 101, 102, 103 của cụm CT1 đã bàn giao nhà và để cho các hộ dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng, “điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy” - đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.

Rác thải bị ứ đọng ngay tại chân công trình gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Rác thải bị ứ đọng ngay tại chân công trình gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, tại Kết luận số 99/2017/KL-TTTP-P2 của Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư dự án này. Cụ thể, từ tháng 1 - 10/2010, 183 khách hàng đã ký hợp đồng mua bán căn hộ tại 2 tòa CT3-106 và 107 từ đầu năm 2010 (có khách hàng nộp 100% giá trị hợp đồng).

Tuy nhiên, ngày 16/10/2010, Công ty Sông Đà Thăng Long sử dụng tài sản hình thành trong tương lai trong đó có gần 200 căn hộ đã bán, thu tiền của khách hàng làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành 200.000 trái phiếu.

“Như vậy, Công ty Sông Đà Thăng Long đã có hành vi huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, thuê, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết, quy định tại khoản 4, Điều 16 và điểm b, khoản 1, Điều 14 Luật Kinh doanh BĐS năm 2006; khoản 5, Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014; khoản 4 Điều 68 Luật Nhà ở năm 2014” – kết luận nêu rõ.

Về phía đại diện chủ đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty Sông Đà Thăng Long Vũ Tiến Dũng cho biết, phía chủ đầu tư đang nỗ lực thực hiện và hợp tác với các nhà đầu tư khác đủ tiềm lực tài chính để hoàn thành dự án, như cụm CT1-104, CT3-106,107 nhà đầu tư sẽ tiếp quản toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan để quyền lợi khách hàng đã mua nhà cũng như minh bạch năng lực, kế hoạch tài chính thực hiện cho khách hàng cùng giám sát.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, các cụm tòa nhà này đến thời điểm  hiện tại vẫn nằm “án binh bất động” hoặc chỉ thi công “nhỏ giọt”, chưa cho thấy sự quyết tâm thực hiện lời hứa với khách hàng từ phía chủ đầu tư.

Phải chăng Công ty Sông Đà Thăng Long không còn đủ khả năng để triển khai lại dự án, thực tế công ty này đã rất nhiều lần “bội hứa” với khách hàng, nên người dân vô cùng lo lắng về quyền lợi của họ đến bao giờ mới được giải quyết?

Trong khi đó, rất nhiều hạng mục công trình đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, thậm chí trở thành nơi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài nguyên đất. Đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc, thanh kiểm tra, xử lý sai phạm (nếu có) của chủ đầu tư, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc về sự việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần