Nỗi niềm người khuyết tật

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, dư luận xôn xao câu chuyện một người khuyết tật đón xe buýt ở Nghệ An và tài xế xe đã không mở cửa cho lên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự việc được cho là xảy ra trên tuyến đường ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An; chiếc xe buýt bị phản ánh chạy tuyến TP Vinh - thị xã Cửa Lò.

Thông tin từ báo chí cho biết, người khuyết tật được một người khác bế, vẫy xe buýt. Lái xe không mở cửa, còn người phụ xe từ chối chở người khuyết tật, vì “không có ai bế người khuyết tật xuống xe khi đến bến”. Sau đó, xe lạnh lùng bỏ đi trong sự ngơ ngác của những người chứng kiến”.
Ngày 2/3, thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải Nghệ An, đã mời đại diện hãng xe buýt lên để làm việc, xác minh việc nhân viên của hãng xe này từ chối phục vụ một người khuyết tật.

Sau khi thông tin trên được đăng tải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Hầu hết đều bày tỏ bức xúc trước cách hành xử của lái và phụ xe buýt. Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Trước đó cũng đã xảy ra vụ việc tương tự cũng ở địa bàn nói trên. Việc người khuyết tật tham gia giao thông, đặc biệt là trên xe buýt là chuyện không hiếm. Chúng tôi từng chứng kiến, khi người ngồi trên xe lăn chờ xe buýt, phụ xe và một vài hành khách nhảy xuống xe hỗ trợ đưa bạn đồng hành lên xe. Sự việc xảy ra nhanh chóng như là một điều tự nhiên nhưng vẫn khiến những người chứng kiến cảm thấy ấm lòng.

Trong xã hội, việc một số người khuyết tật về thân thể là có nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng của mọi người đó là sự khuyết tật về tâm hồn, như trường hợp của lái xe và phụ xe đã nói ở trên. Nếu như họ tinh ý, việc bế người khuyết tật xuống nếu cần sẽ có hành khách nào đó giúp.

Người lành lặn nhiều lúc còn khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ..., huống hồ là người khuyết thiếu chân tay, hay bị mù... Nhiều người trong số họ dù rất nỗ lực để tự lục, tự cường trong hoạt động nhưng nói chung vẫn cần sự giúp đỡ.

Người lành lặn, khỏe mạnh nên coi sự giúp đỡ người khuyết tật như là một lẽ thường tình. Người khuyết tật vốn có tâm hồn nhạy cảm, nên mọi sự giúp đỡ đối với họ đều cần sự cảm thông, tế nhị; tuyệt đối tránh những quan niệm sai về người khuyết tật, kỳ thị họ (nên tránh cả lợi dụng hình ảnh người khuyết tật như đi khập khiễng, nói ngọng, nói lắp... để chọc cười như một vài màn hài kịch đã có).

Cuối cùng, chúng tôi mong cơ quan chức năng có biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc với hãng xe buýt đã bỏ rơi người khuyết tật nói trên; riêng với tài xế và phụ xe cần bị thêm chế tài nào đó.

Trong xã hội văn minh, mọi người dù tất bật ngược xuôi, lo toan vất vả để mưu sinh nhưng càng lại phải mở rộng tấm lòng, cảm thông, sẻ chia với người khác, đặc biệt là với người khuyết tật, giúp đỡ họ khi họ cần.