Nơi phụ nữ “vượt cạn” ở nhà

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều kiện kinh tế khó khăn, lại cách xa các cơ sở y tế và đường sá đi lại không thuận lợi nên nhiều năm qua, hầu hết phụ nữ ở thôn Quế (xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đều sinh con tại nhà.

Hồ Thị Lý (22 tuổi, thôn Quế, xã Trà Bùi) đã có 2 đứa con, lớn 4 tuổi và nhỏ vừa tròn 10 tháng. “Chồng đi làm rồi, mình ở nhà giữ con. 2 đứa con đều sinh ở nhà, không đi bệnh viện”, Hồ Thị Lý cho biết.
 Hồ Thị Lý (trái) đã có 2 con, đều sinh tại nhà.
Những lần vượt cạn của Lý, bà Hồ Thị Hoa (mẹ ruột) là người đỡ đẻ. Bà Hoa đã 68 tuổi và dày dạn kinh nghiệm vì đã tự tay đỡ đẻ cho 7 đứa con gái, trong đó có Hồ Thị Lý (con gái út). Mười mấy đứa cháu ngoại đều do bà cắt rốn. “Đẻ xong lấy chỉ trắng cắt rốn. Trước giờ đều làm như vậy hết”, bà Hoa nói.
Cùng trang lứa với Lý, nhiều người cũng đã có 3, 4 mặt con. Phụ nữ ở vùng này hơn 20 tuổi chưa lập gia đình đã được xem là già.
“Con gái có chồng sớm lắm. Mấy năm trước 15, 16 tuổi là lấy chồng. 2 năm nay do dịch bệnh với chính quyền tuyên truyền nhiều nên cũng ít dần đi. Còn sinh đẻ chủ yếu ở nhà, vài trường hợp khó sinh mới chuyển đi viện”, Hồ Văn Liên - cán bộ y tế thôn Quế chia sẻ.
 Phụ nữ thôn Quế hầu hết đều sinh con tại nhà.
Anh Hồ Văn Liên (34 tuổi), được phân công làm y tế thôn bản đã hơn một thập kỷ. Liên thường xuyên có mặt trong những lần chuyển dạ của phụ nữ trong thôn để theo dõi, hỗ trợ.
“Mình tới để xem xét tình hình, nếu khó sinh thì gọi cấp cứu rồi dân làng khiêng sản phụ ra đầu đường, xe sẽ đưa xuống trung tâm y tế. Trước kia người ta ít biết, không đẻ được thì lo cúng nên cũng có người bị chết”, anh Liên kể.
 Anh Hồ Văn Liên - cán bộ y tế thôn Quế.
Vợ Liên kém anh 3 tuổi, cũng sinh con tại nhà. 4 đứa con chào đời bởi sự giúp sức của bà Hồ Thị Hiền - mẹ anh Liên và không có đứa nào tới bệnh viện.
Bà Hiền năm nay 57 tuổi, là bà mụ “lão làng” ở thôn Quế, đã từng đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ. Bà Hiền mồ côi mẹ từ nhỏ, thường theo chân những người phụ nữ khác trong làng đi đỡ đẻ. Bà biết đỡ đẻ trước khi có chồng, sinh con. Trong làng có chừng 4, 5 bà mụ chuyên đỡ đẻ như bà Hiền, ngoài ra còn có một số trường hợp mẹ đỡ đẻ cho con, chị đỡ đẻ cho em. Phụ nữ trong làng giúp nhau vượt cạn hoàn toàn miễn phí, không tính công. Truyền thống này duy trì hàng trăm năm qua, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nằm dưới chân núi Cà Đam cao hơn mặt nước biển trên 1.400m và quanh năm mây phủ, thôn Quế cách trung tâm xã Trà Bùi 23km, cách trung tâm huyện Trà Bồng khoảng 70km. Đường lên thôn Quế quanh co khúc khuỷu, hường bị cô lập vào mùa mưa do sạt lở núi. Khoảng 5 năm gần đây, đường được bê tông nên đi lại dễ dàng hơn. Trước kia khu vực này toàn đường đất, mỗi lần có ca sinh khó, dân làng phải gánh ra đường lớn rồi mới có xe chở tới bệnh viện.
“Người đồng bào Cor ở thôn Quế thường lên rẫy, lên nương. Thai phụ cũng vậy, cận ngày sinh họ mới ở nhà. Bây giờ tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn phải tuyên truyền, vận động để họ thay đổi suy nghĩ, đi bệnh viện sinh đẻ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con”, anh Liên chia sẻ.
 Nhà ở của người dân thôn Quế.
Theo ông Hồ Ngọc Ninh - Phó chủ tịch UBND xã Trà Bùi, thôn Quế có 84 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu. Người dân ở đây đều là đồng bào dân tộc Cor, chủ yếu sống bằng trồng lúa rẫy, khoai mỳ, không có thu nhập ổn định nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 100%. Đời sống người dân rất khó khăn.
“Huyện đang định hướng, hỗ trợ người dân thôn Quế trồng sâm 7 lá để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Hiện trong thôn đã có khoảng 4 hộ trồng thành công loại cây này”, ông Ninh cho biết.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch xã Trà Bùi, để tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho người dân thôn Quế, trong giai đoạn tới, huyện Trà Bồng sẽ tiếp tục đầu tư bê tông khoảng 2km đường chưa được bê tông ở nơi đây. Công trình này đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn với số vốn khoảng 2 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần