Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nới quy định để cổ vật hồi hương

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2023 sự kiện hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” (báu vật được truyền từ đời vua Minh Mệnh đến vua Bảo Đại) đã trở thành 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành văn hóa.

Bởi vì con đường trở về của bảo vật lưu lạc suốt 70 năm ở nước ngoài cũng là sự thành công chẳng dễ dàng trên con đường ngoại giao văn hóa. Số quốc bảo may mắn được hồi hương chỉ đếm trên đầu ngón tay, bởi quy định về sưu tầm, mua bán, hoàn trả cổ vật còn thiếu chặt chẽ, đôi khi còn bó chặt để tự ta làm khó ta.

Bài 1:  Nỗi lo bảo vệ bảo vật quốc gia

Khoảng 10 năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng dấy lên một vụ việc phát hiện ra cổ vật của Việt Nam đang được rao bán trên sàn mua bán cổ vật nước ngoài. Các chuyên gia trong giới cổ vật đến người dân đều tỏ ra lo lắng và đặt câu hỏi: “Bằng cách nào, cổ vật của Việt Nam phải chịu cảnh lưu lạc ở nơi đất khách quê người?”.

Cổ vật lưu lạc

Một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn được phát hiện tại Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha). Thanh Thái A kiếm bằng vàng là thanh bảo kiếm của vua Gia Long lại được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp ở Paris… là những sự việc không hề xa lạ. Bởi vì, rất nhiều cổ vật triều Nguyễn có giá trị độc bản, tinh xảo, chất liệu quý (vàng, ngọc, bạc...), những đồ ngự dụng trong cung đình phong kiến, cổ vật được coi là quý hiếm đang lưu lạc ở nước ngoài.

Rất nhiều hội thảo đánh giá về giá trị của bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn. Hầu hết các chuyên gia cổ vật đều nhất trí với quan điểm trong lịch sử 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn tạo lập rất nhiều di sản quý giá, có những thứ trở thành bảo vật quốc gia. Nhưng rồi với những biến động lịch sử, chiến tranh, binh lửa; sau khi nhà Nguyễn cáo chung cách đây 77 năm thì nhiều bảo vật hoàng cung nhà Nguyễn cũng thất lạc.

Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” giữa đại diện Hãng đấu giá Millon (Pháp) và ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp. Ảnh: Thu Hà
Chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” giữa đại diện Hãng đấu giá Millon (Pháp) và ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp. Ảnh: Thu Hà

Thái A kiếm là bảo vật của Việt Nam vì nó gắn liền với sự nghiệp của vua Gia Long. Trên lưỡi kiếm có khảm 3 chữ Hán “Thái A kiếm” bằng vàng, sát với đốc kiếm. Chuôi kiếm tạo hình một đầu rồng làm bằng vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Thanh kiếm có tầm vóc không thua kém ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Thanh Thái A kiếm từng được trưng bày tại Đại nội Huế và bị Pháp lấy đi sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7/1885. Không chỉ có thanh Thái A kiếm, rất nhiều cổ vật của vua Gia Long cùng chung số phận lưu lạc. Sách phong bằng vàng đời vua Gia Long cũng từng được mang ra đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Paris (Pháp) ngày 16/12/2010, thuộc bộ sưu tập cá nhân của một người Pháp có tên Ralph Marty. Sách phong này do vua Gia Long cho làm vào năm 1807 để tôn phong bà Đoàn Thị (khuyết danh), chánh phi của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601 - 1648).

Cũng sách phong, bằng bạc mạ vàng, đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Sách phong này cũng từng được mang ra đấu giá tại Paris, cùng năm 2010. Điểm đặc biệt của sách phong này làm bằng bạc mạ vàng, trong khi các sách phong khác chất liệu đồng hoặc lụa.

Ngoài bảo vật triều Nguyễn, có nhiều bảo vật quốc gia của Việt Nam đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Hầu hết bảo tàng lớn ở Nhật Bản lưu giữ rất nhiều đồ gốm cổ Việt Nam như: gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, gốm thời Mạc… Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật hoàng gia Brussels, Bỉ, sở hữu gần 3.000 cổ vật Việt Nam.

Thậm chí nơi đây có phòng triển lãm mang tên “Nghệ thuật Việt Nam” trưng bày nhiều đồ gốm, đồ đồng, cổ vật Champa, đồ ký kiểu triều Nguyễn… Ngoài ra, nhiều bảo vật Chămpa vốn là báu vật của Việt nam đã được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet (Pháp), Bảo tàng Nghệ thuật châu Á San Francisco (Mỹ)…

Khó khăn trong đàm phán

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bảo vật của Việt Nam bị lưu lạc. PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, thông tin: trong giai đoạn từ năm 1858 - 1945, dưới sự thống trị của thực dân Pháp, khá nhiều bộ sưu tập hiện vật quý của Việt Nam được di chuyển từ “thuộc địa” Việt Nam sang trưng bày tại “chính quốc” Pháp.

Cũng có nhiều ghi chép liên quan đến việc cướp bóc của quân đội Pháp với những cổ vật Việt Nam được lưu trữ ở kinh đô Huế lúc bấy giờ. Vấn nạn này không chỉ xảy ra trong kinh đô Huế mà nhiều cổ vật tại lăng mộ của các vua nhà Nguyễn cũng đều bị cướp phá. Thậm chí không ít người Pháp chứng kiến những vụ cướp phá này đã để lại ghi chép.

Vào cuối thế kỷ XIX, người Pháp cũng mang đi rất nhiều tượng thờ quý trong đền tháp của người Chămpa xưa. Hiện nay, nhiều bảo vật Chămpa quý vẫn được trưng bày tại các bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet (Pháp), Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á San Francisco (Mỹ)…

Năm 1906, con tàu Mekong chở theo 80 tấn cổ vật bằng đá, kim loại quý lấy từ tháp Bánh Ít, tháp Đôi… (Bình Định) cho Bảo tàng Lyon (Pháp) nhưng khi đến lãnh hải Somalis, con tàu đã bị đắm tại biển Hồng Hải, mang theo không biết bao nhiêu báu vật của Việt Nam, mãi chôn vùi trong lòng biển sâu.

TS Nguyễn Hữu Mạnh, bộ môn Khảo cổ học - Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Việc cổ vật lưu lạc bên ngoài một phần cũng phụ thuộc vào nguồn mua bán bất hợp pháp. Tại Thừa Thiên Huế, cách đây vài năm, bên cạnh Bảo tàng Cung đình Huế hay ngay chân cầu Tràng Tiền, hiện tượng mua bán trao đổi cổ vật vẫn diễn ra một cách công khai.

Tuy nhiên, những cuộc buôn bán cổ vật công khai như thế chỉ là mặt nổi của tảng băng chìm, có rất nhiều vụ mua bán bất hợp pháp cổ vật ra nước ngoài mà chúng ta không thể biết được. Đó là lý do khiến cổ vật Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài nhiều như vậy”.

Các bảo vật này đang thuộc sở hữu của cá nhân người Việt ở nước ngoài cũng như người châu Âu sở hữu. Nếu chiểu theo giá trị trên sàn đấu giá thì Việt Nam khó mà bỏ nguồn kinh phí sưu tầm, mua bán và hoàn trả cổ vật. Vì thế, đã đến lúc chính sách hồi hương di sản cần được coi là vấn đều ưu tiên trong các quy định của Luật để Nhà nước có cơ chế đầu tư và chiến lược tổng thể.

(Còn nữa)

 

Nhiều cổ vật có nguồn gốc Việt Nam đang được lưu giữ ở nước ngoài, có trong những bộ sưu tập lớn với những hình thức sở hữu khác nhau hoặc được trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Liên quan đến quy định về phương thức mua hiện vật, đã có trong quy định nhưng việc sử dụng ngân sách Nhà nước để mua hiện vật phải tuân thủ các quy định về tài chính. Để tiến tới công nghiệp văn hóa thì phải nói đến thị trường cổ vật, mà vấn đề này trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chưa đề cập đến. Với vấn đề hồi hương cổ vật, đề nghị thay chính sách “miễn giảm thuế” bằng “miễn trừ thuế"…


TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam