Kinhtedothi - "Đến năm 2015, 85% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần", mục tiêu trong "Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" tưởng như là chuyện quá dễ dàng và đương nhiên, nhưng trong thực tế lại không phải vậy.
Bởi trong khi sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình mỗi ngày thêm lỏng lẻo, lối sống cá nhân được đề cao quá mức thì mục tiêu ấy quả không dễ dàng đạt được nếu không có sự "dừng lại để thấu hiểu" của mỗi người.
Ngày càng nhiều “tổ lạnh”
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sự phát triển về tâm hồn, thể chất và xã hội của trẻ em có liên hệ chặt chẽ với thời gian mà cha mẹ và những người chăm sóc trực tiếp khác dành cho. Vì vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các thành viên trong gia đình mắc phải các tệ nạn xã hội là sự thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Nhiều người do áp lực công việc, bận rộn hoặc do áp lực mưu sinh nên ít dành thời gian quan tâm đến con cái. Vì vậy, nhiều đứa trẻ được bố mẹ cho chơi điện thoại, máy tính bảng mỗi khi quấy khóc. Về lâu dài, những thiết bị này trở thành "bảo mẫu" của trẻ. Sự gắn kết tình cảm giữa con cái và cha mẹ trở nên lỏng lẻo, cơ hội để cha mẹ gần gũi, quan sát, giáo dục trẻ dần ít đi.
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều gia đình đứng trước bờ vực bất hạnh bởi quá bận rộn với chuyện mưu sinh. Chuyện "cơm áo gạo tiền" đã tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình khiến những đứa trẻ phải sống trong ngôi nhà không phải "tổ ấm" đúng nghĩa, nơi bố mẹ chỉ mải mê kiếm tiền, bỏ mặc con cái. Theo một kết quả điều tra về gia đình Việt Nam, có tới 20% các ông bố và 7% các bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc, dạy dỗ con cái do phải lo kiếm sống.
Tình trạng nhiều gia đình chỉ có vài người nhưng cả ngày cũng không đủ thời gian để cùng ăn với nhau một bữa cơm đang diễn ra phổ biến. Con cái đi học, cha mẹ đi làm, người về sớm, người về muộn, nên bữa cơm tụ họp gia đình cứ thưa thớt dần. Bên cạnh đó, không gian riêng ngày càng phát triển khiến mỗi người lại bận rộn hơn với những vấn đề cá nhân. Dần dà, tất cả điều này làm cho thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi. Cùng với đó, sự giao lưu, trao đổi, sẻ chia giữa cha mẹ và con cái cũng nhạt nhòa dần. Đây là một thực tế đáng buồn đã và đang xảy ra khiến cho con số mục tiêu mà Chiến lược phát triển gia đình đưa ra là một tiêu chí luôn phải ở mức "phấn đấu". Do thời gian dành cho gia đình ít, mối quan hệ giữa các thành viên càng trở nên lỏng lẻo, đến một lúc nào đó, họ không thể tìm được tiếng nói chung thì việc dẫn đến đổ vỡ là điều khó tránh khỏi. Theo thống kê từ một cuộc hội thảo về hôn nhân và gia đình, hiện nay, cả nước, bình quân mỗi năm có từ 50.000 - 70.000 vụ ly hôn, trong số đó có tới 70% là các cặp vợ chồng trẻ ở độ tuổi 20 - 30. Và từ đây, mỗi năm có chừng 50.000 trẻ đang tuổi ăn học bị "đẩy ra ngoài" tổ ấm gia đình, buộc phải tự xoay xở, thậm chí là tự lập trước cuộc đời.
Gắn kết có quá khó?
Thực tế, trong cuộc sống gấp gáp của xã hội ngày nay cũng khó tránh được việc người lớn cố gắng công sức để tạo dựng sự nghiệp, cho con cái có cuộc sống vật chất đầy đủ. Nhưng chính cuộc sống thực tại của con mình lại bị họ xao nhãng. Và cũng chính việc nhiều đứa trẻ do không được cha mẹ quan tâm, giáo dục nên đành làm bạn với game, thích sống cuộc sống "ảo" nhiều hơn cuộc sống thực… Cùng với đó, một kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý cũng cho thấy, hơn 35% số trẻ được điều tra (từ 8 - 14 tuổi) có biểu hiện và hành vi lo lắng, bi quan trước cuộc sống. Đây là một cảnh báo, bởi sống với tâm trạng buồn chán kéo dài sẽ làm méo mó nhân cách hình thành sau này. Tuy nhiên, một điều đáng băn khoăn là hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, đây là chuyện không có gì đáng lo nghĩ.
Việc nâng cao mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đang là vấn đề rất lớn trong công tác phát triển gia đình ở Việt Nam hiện nay, nhưng chỉ khi cha mẹ dành thời gian nhiều hơn cho việc giáo dục, chăm sóc con cái, và khi mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình chặt chẽ thì vấn đề lớn này mới có thể thực hiện được. Bởi thế, không phải vô tình, có người đã đề xuất nên có những khóa đào tạo trang bị kiến thức làm cha mẹ, có cả hệ thống cán bộ tư vấn tâm lý, tham vấn cộng đồng và cán bộ xã hội để hỗ trợ cho việc nuôi dạy, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Một gia đình lý tưởng là gia đình có sự cố kết bền chặt giữa các thành viên, trong gia đình chỉ có tình yêu thương và sự tôn trọng ngự trị. Để mỗi thành viên không cảm thấy "lạnh" ngay trong tổ ấm của mình, mỗi người đều phải có trách nhiệm vun đắp, chăm lo, xây dựng tổ ấm thật bền vững, đó là mục tiêu lớn mà Chiến lược phát triển gia đình đã đặt ra, triển khai và tiếp tục được vun đắp mạnh hơn trong năm 2015, để mục tiêu 85% gia đình dành thời gian cho nhau không chỉ dừng ở con số khô khan, mà thực sự là sợi dây nối dài để gắn kết yêu thương.