Quy định này đã nhận được sự hưởng ứng từ phía các lái xe, tuy nhiên, với các cơ quan quản lý đây là một nỗi lo, đặc biệt là trên các tuyến đường nhỏ.
Tránh bị xử phạt
Theo Thông tư 91/2015/TT - BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách xe cơ giới đường bộ, từ 1/3, trong khu vực đông dân cư, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 60km/h trên đường đôi, có dải phân cách giữa và đường 1 chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên. Trong khi đó, trên đường 2 chiều không có dải phân cách giữa và đường một chiều có 1 làn xe cơ giới, các phương tiện xe cơ giới được phép chạy tối đa 50km/h… Theo lái xe Nguyễn Phi Hùng (Thanh Oai, Hà Nội), việc Bộ GTVT điều chỉnh tăng tốc độ tối đa trên các tuyến đường sẽ làm giảm thời gian di chuyển của các phương tiện, tiết kiệm xăng dầu, và quan trọng nhất là sẽ tránh sập “bẫy tốc độ” tại những khu vực hạn chế tốc độ trước đây.
Đồng quan điểm với nhiều lái xe, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, đây là việc làm cần thiết đáp ứng được sự mong mỏi, giải quyết những phiền toái, vướng mắc của các lái xe, DN vận tải. Theo lý giải của ông Liên, nhiều năm qua, Nhà nước đã chi hàng tỷ USD để xây dựng hạ tầng, mở rộng, nâng cấp đường sá. Ngoài ra, chất lượng phương tiện cũng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tốt hơn thì việc nâng tốc độ cho phương tiện là hoàn toàn hợp lý, tránh trường hợp quy định kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Nguy cơ TNGT tăng cao
Đề cập đến việc tăng tốc độ tối đa trên các tuyến đường, Trung tá Bùi Văn Tiến – Đội trưởng Đội CSGT số 10, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh là cần thiết nhưng các cơ quan chức năng cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng. Cụ thể, theo Trung tá Bùi Văn Tiến, QL 21B là một trong những tuyến đường thuộc diện điều chỉnh tốc độ, tuy nhiên, từ nhiều năm nay tuyến đường này không được mở rộng, nơi lòng đường rộng nhất là khoảng 13m, nơi hẹp nhất chỉ 7m. Nếu tăng tốc độ tối đa lên 10km/h sẽ đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mất ATGT trên tuyến đường này.
Đồng quan điểm với ông Tiến, Thiếu tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội CSGT số 8, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nôi, đơn vị phụ trách tuyến QL 1A cho rằng, đây là tuyến đường độc đạo phía Nam Thủ đô dành cho xe máy, tuy nhiên từ nhiều năm nay dù mật độ phương tiện liên tục tăng, nhưng đường vẫn vậy. “Công tác đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực ngoại thành vốn đã là vấn đề nóng, việc tăng tốc độ sẽ tạo điều kiện cho những đối tượng ngổ ngáo, phóng nhanh vượt ẩu… gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông” – ông Vinh nhấn mạnh.
Trong khi đó, để cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở GTVT đã hoàn thành thay thế biển báo hạn chế tốc độ trên nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, để tăng tốc độ tối đa tại một số tuyến đường như đường Vành đai 3 trên cao, Đại lộ Thăng Long… theo đúng lộ trình là rất khó, bởi mặt đường trên tuyến đã bị hằn lún nghiêm trọng… “Nếu không giải quyết được vấn đề này việc tăng tốc độ tối đa sẽ trở thành cái bẫy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông” – ông Tân nhấn mạnh.
Việc tăng tốc độ tối đa trên QL 1A sẽ kéo theo không ít nguy cơ gây mất ATGT.
|