Nói về Ngày hạnh phúc, nghĩ tới Bác Hồ

An Nhiên - Phạm Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi trả lời phỏng vấn nhà báo Cu Ba Marta Rojas, Bác Hồ từng nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” – đó là hạnh phúc lớn lao nhất mà Bác phấn đấu, nỗ lực cả cuộc đời.

Những chia sẻ trên được GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư đề cập tới trong buổi nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc” diễn ra sáng 19/3 tại Thư viện Hà Nội,  do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3/2013 – 20/3/2024).

Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc”. Ảnh: Minh An
Toàn cảnh buổi nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc”. Ảnh: Minh An

Học tập theo gương Bác

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị cốt lõi về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Trong đó, giá trị về hạnh phúc luôn được Người đánh giá cao.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư chia sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc”
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư chia sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc”

Nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo GS.TS Hoàng Chí Bảo: “Nói đến hạnh phúc là nói đến giá trị văn hoá, tinh thần đồng thời là sự cảm thụ mỗi người. Trong dịp kỷ niệm 11 năm Ngày Quốc tế hạnh phúc, không có gì quý hơn và ý nghĩa hơn nếu nghĩ đến Bác Hồ - con người cả cuộc đời dâng hiến sự nghiệp của mình vì hạnh phúc Nhân dân”. Bác Hồ nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” - GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Bản Di chúc thiêng liêng được Người hoàn thành bản văn đầu tiên (năm 1965), các năm sau cho đến phút cuối cùng Người vẫn đều đặn đọc lại, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện... Di chúc của Người đã trở thành Bảo vật quốc gia, kết tinh tư tưởng và hành động của Người, suốt đời phấn đấu thực hiện khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho dân tộc Việt Nam.

Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) được chính thức công bố tại hội nghị của Liên hợp quốc (năm 2012).  Hưởng ứng ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hằng năm”.

Từ năm 2014, đất nước chúng ta chính thức tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc. Điều đó mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh phúc để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam, kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với cộng đồng nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3.

Xây dựng xã hội, con người Thủ đô hạnh phúc

Tại Hà Nội, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hằng năm” và các văn bản hướng dẫn của Bộ VHTT&DL, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, hướng dẫn các hoạt động về tổ chức ngày Quốc tế hạnh phúc như: Xác định các chỉ tiêu nhiệm vụ trong thực hiện Chương trình 06 Thành uỷ về “Phát triền văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” với các nội dung trọng tâm là xây dựng Gia đình văn hoá/Thôn – Tổ dân phố văn hoá; Chương trình 03 Thành ủy với việc thực hiện các chỉ tiêu đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển đô thị; Chương trình 04 Thành ủy với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình 08 Thành ủy với nhiệm vụ nâng cao đời sống dân sinh, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân… Gần đây nhất là Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 của Thành ủy tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bạn đọc tham quan trưng bày sách chuyên đề “Hạnh phúc cho mọi người” tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Minh An
Bạn đọc tham quan trưng bày sách chuyên đề “Hạnh phúc cho mọi người” tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Minh An

Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, thời gian qua, TP đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế hạnh phúc; thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; nêu gương người tốt việc tốt; xây dựng và nhân rộng các mô hình văn hóa tiêu biểu, gia đình hạnh phúc, tổ dân phố, thôn làng văn hoá - cộng đồng văn hoá - cộng đồng hạnh phúc…

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo: Vừa qua, Hà Nội tổ chức Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Thực trạng và giải pháp”. Đây là Hội nghị lớn, có sự chuẩn bị công phu, cho thấy nhận thức đúng đắn, sâu sắc về văn hóa và xây dựng hệ giá trị văn hóa của Thủ đô. Chúng ta biết, hệ giá trị văn hoá bắt đầu từ hệ gia đình - tế bào của xã hội, từ đó hình thành nên chuẩn mực văn hoá của mỗi con người. Người Hà Nội hào hoa, thanh lịch phải phấn đấu vươn lên, góp sức chung vào hạnh phúc của chúng ta, xứng đáng với niềm tin cậy, thiện cảm của bạn bè quốc tế, một “thành phố đáng sống”, “thành phố hạnh phúc”.

 

Trong khuôn khổ sự kiện, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức trưng bày sách chuyên đề “Hạnh phúc cho mọi người” với hơn 300 tư liệu sách, báo, tạp chí. Các gian trưng bày gồm 3 chuyên đề chính: Lịch sử, ý nghĩa Ngày Quốc tế hạnh phúc và các hoạt động của Việt Nam nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc; Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hạnh phúc. Trưng bày diễn ra đến ngày 23/3, tại Thư viện Hà Nội.