Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Non sông liền một dải”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/4, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức giao lưu - tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2015) - Non sông liền một dải" với sự tham dự của các nhà nghiên cứu lịch sử, các cựu chiến binh tại Hà Nội.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.  	Ảnh:  Thanh Hải
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Thanh Hải
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, Đại tá, TS Trần Văn Thức (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) nhận định: Từ năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam đã bước sang giai đoạn cuối dưới bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn. Trong khi, đế quốc Mỹ bắt tay vào cấu kết với các thế lực phản động tiếp tục ý đồ chống phá cách mạng Việt Nam, thì cuộc kháng chiến của Nhân dân ta vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ rất lớn về vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng tại Đông Dương, đặc biệt là cách mạng Lào đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Đầu năm 1973, việc ký kết Hiệp định Paris, buộc quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt nam. Cũng trong giai đoạn đó, miền Bắc tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức chi viện cho miền Nam. Ở miền Nam, tuy nhận được sự cố vấn về quân sự từ phía Mỹ, nhưng Chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa cả về thế và lực đã suy giảm rất nhiều.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Hội Cựu chiến binh TP có trên 155.000 hội viên tham gia chống Mỹ, trong đó khoảng 15.000 chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh.
Đại tá Trần Huy Phương

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, thật không dễ dàng phác họa lại những hành trình gian khổ đầy hy sinh mất mát nhưng cũng vẻ vang và chói lọi của anh Bộ đội Cụ Hồ. Nhớ về những ngày tháng lịch sử ấy, nguyên Tiểu đội trưởng trinh sát thuộc Đại đội 410, Tiểu đoàn 24 Trung đoàn 8 Quân khu 9 Nguyễn Văn Túc cho biết: Kỷ niệm vui nhất là khi anh em đồng đội cùng nhau sát cánh trong ngày đại thắng. Gia đình tôi cả 4 anh em đều vào chiến trường, nhưng trong suốt cuộc kháng chiến, cả 4 người đều không được gặp và không biết tin tức gì của nhau. Mãi đến khi giải phóng, nhận được bức thư đoàn tụ, tôi vui mừng và phấn khởi khi gặp lại người anh trong Sài Gòn, 2 anh em lúc đó ôm nhau mà khóc vì vui sướng. "Phải nói rằng, khi trở ra Bắc, trong ba lô của tôi chỉ mang đúng một con búp bê và chiếc khăn tay về cho mẹ ở quê nhà. Bây giờ, 40 năm đã trôi qua, nhưng chặng đường tham gia chiến đấu cùng anh em đồng đội, tôi chưa bao giờ quên" - ông Nguyễn Văn Túc bồi hồi nhớ lại. 

Nói như Đại tá, TS Trần Văn Thức: Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh là kết quả trực tiếp của Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam trong mùa Xuân 1975. Thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Bên cạnh đó phải kể đến nguồn sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh đại đoàn kết, khát vọng độc lập tự do của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh của chiến tranh Nhân dân Việt Nam thần kỳ. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: Từ chiến tranh sang hòa bình, từ 2 nhiệm vụ chiến lược là cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa sang một nhiệm vụ chiến lược là cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội chủ nghĩa trong cả nước.

Những thế hệ đi sau khó lòng có thể hình dung về những ngày vất vả ấy, như lời Đại tá Nguyễn Huy Phương - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội đã nhắn nhủ: Chúng tôi - thế hệ của 3 sẵn sàng, chiếc gậy Trường Sơn, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước tin tưởng tuổi trẻ Thủ đô hôm nay có tri thức, hoài bão, quyết tâm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô. Đồng thời mong thế hệ trẻ hãy rèn đức luyện tài, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp.
Sáng 22/4, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam khai mạc chuyên đề "Hậu cần cho đại thắng mùa Xuân năm 1975". Thông qua 300 tài liệu, hiện vật, hình ảnh tư liệu đã giới thiệu được 3 chủ đề: Quyết tâm chiến lược của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bảo đảm hậu cần cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và chiến thắng. Tại gian trưng bày lần này có một số hiện vật quý, tiêu biểu lần đầu tiên được đưa ra. Chuyên đề mở cửa đón công chúng đến 2/6 tại Bảo tàng Hà Nội. (Thanh Khánh)