Nóng: Bộ GTVT xin áp dụng cơ chế đặc thù để “giải cứu” đăng kiểm

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tháo gỡ khó khăn cho công tác đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT xin ý kiến Thủ tướng cho áp dụng chính sách, cơ chế đặc thù để "giải cứu" đăng kiểm.
Bộ GTVT xin ý kiến Thủ tướng cho áp dụng chính sách, cơ chế đặc thù để "giải cứu" đăng kiểm.

Bộ GTVT vừa có Văn bản số 2329/BGTVT-KHCN&MT ngày 9/3/2023 về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân, gửi Thủ tướng và Chính phủ.

Nhiều giải pháp nhưng chưa hiệu quả

Trong văn bản trên, Bộ GTVT cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan Công an đã tiến hành điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhiều bị can liên quan để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Đây là chuyên án quan trọng, thể hiện sự quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của lực lượng Công an. Đến nay, cơ quan Công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại hơn 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, có 55/281 đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình,… ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới cho người dân, doanh nghiệp.

Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các sở GTVT triển khai những giải pháp như: Bố trí thời gian làm thêm giờ kể cả thứ Bẩy và Chủ nhật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký kiểm định trước, đăng ký từ xa thời gian kiểm định; điều động, huy động nhân lực bổ sung cho đơn vị đăng kiểm bị thiếu, sử dụng cả các đăng kiểm viên đang được tại ngoại hoặc đã nghỉ hưu,… để duy trì hoạt động.

Phối hợp với chính quyền địa phương điều tiết, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại các đơn vị đăng kiểm; phát hiện kịp thời đơn vị tự ý tạm dừng hoạt động đăng kiểm không có lý do chính đáng để xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an rà soát để cho phép những trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang bị dừng hoạt động được hoạt động trở lại,….

Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn gia tăng do thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực đăng kiểm viên, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu kiểm định của người dân, doanh nghiệp. Chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt đăng kiểm, thậm chí người dân phải đi xa, sang các tỉnh lân cận để xếp hàng chờ đăng kiểm.

Việc áp dụng cơ chế đặc thù được kỳ vọng sẽ là "phao cứu sinh" cho ngành đăng kiểm lúc này.
Việc áp dụng cơ chế đặc thù được kỳ vọng sẽ là "phao cứu sinh" cho ngành đăng kiểm lúc này.

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho đăng kiểm

Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác đăng kiểm xe cơ giới, Bộ GTVT kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao GTVT sớm nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (Nghị định 139) theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển.

Trước mắt, trong thời gian xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô hiện nay.

Cụ thể, đối với khoản 1 Điều 7, Nghị định 139 đang quy định mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, Bộ GTVT đề nghị áp dụng mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra. Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh này sẽ giúp sử dụng, khai thác tối đa được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối với điểm b khoản 2 Điều 14 quy định “có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định”, Bộ GTVT đề nghị áp dụng thành “có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô từ 36 tháng trở lên, từ 24 tháng đến dưới 36 tháng, từ 12 tháng đến dưới 24 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) thì thời gian thực tập tối thiểu tương ứng lần lượt là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng”.

Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh này sẽ giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.

Đối với khoản 3 Điều 19, Bộ GTVT đề nghị áp dụng “trường hợp đăng kiểm viên đã bị thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Nghị định 139 (bao gồm các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ) được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên”. Lí do được Bộ GTVT đưa ra là áp dụng theo nội dung trên sẽ bỏ thời gian thực tập đối với các đăng kiểm viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế mà không trực tiếp thực hiện công tác kiểm định hoặc hướng dẫn, đánh giá nghiệp vụ đăng kiểm viên quá 12 tháng trở lên.

 

Bộ GTVT cho biết, các kiến nghị nêu trên nếu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có kế hoạch sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới, đồng thời nghiên cứu, cập nhật bổ sung vào nội dung Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 của Chính phủ.

Bộ GTVT đề nghị không áp dụng Điều 26 với lý do việc không giới hạn công suất để phát huy hết năng lực của đơn vị đăng kiểm. Được biết, theo quy định của Điều 26 thì số lượng xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 8 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời hai điều kiện.

Điều kiện thứ nhất là trường hợp một đăng kiểm viên kiểm tra 1 xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên..

Điều kiện thứ hai là không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II. Trường hợp dây chuyền kiểm định loại II chỉ sử dụng để kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000kg thì số lượng xe kiểm định được áp dụng như đối với dây chuyền loại I.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139.

 

Ngoài những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô như trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm; cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng QCVN 103:2019/BGTVT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới) được phép hoạt động kiểm định xe ô tô; cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần