Nông dân Bạc Liêu làm giàu theo hướng thuận thiên

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Là tỉnh cuối cùng được hưởng dòng nước ngọt Mekong, sản xuất bền vững theo hướng thuận thiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ đã giúp nông dân Bạc Liêu nâng cao thu nhập trong nhiều năm gần đây, tạo những kỳ tích góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương mới.

Nông thôn mới Bạc Liêu thành công có sự đóng góp của mô hình lúa - tôm thuận thiên
Nông thôn mới Bạc Liêu thành công có sự đóng góp của mô hình lúa - tôm thuận thiên

Vùng ngọt hóa Bạc Liêu từng một thời phèn nặng không thể sản xuất canh tác nông nghiệp. Sau nhiều năm “ngăn mặn – xổ phèn” cải tạo đất theo hướng thuận thiên, nơi mệnh danh “bạc trắng vì phèn” đã tạo hiệu quả kinh tế cao nhờ mô hình lúa – tôm. Mùa ngọt, trồng lúa tạo môi trường tự nhiên, để mùa mặn nuôi con tôm sú – thẻ hiệu quả cao.

Nông thôn mới ở huyện Hồng Dân Bạc Liêu mang nhiều dấu ấn từ thành công sản xuất thuận thiên. (ảnh Hoàng Nam)
Nông thôn mới ở huyện Hồng Dân Bạc Liêu mang nhiều dấu ấn từ thành công sản xuất thuận thiên. (ảnh Hoàng Nam)

Đổi đời nhờ tôm - lúa

Giá Rai là nơi ngăn dòng nước mặn từ biển Đông vào vùng ngọt của tỉnh Bạc Liêu, lại là cuối nguồn xa nhất của dòng ngọt Mekong. Trước đây, do độ mặn cao, gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn, khi hạn mặn lúa bị thiệt hại, năng suất thấp. Nhưng 3 năm gần đây, nhờ xây dựng hệ thống thủy lợi khép kín, chủ động trong việc tích trữ nước ngọt ngăn chặn nước mặn xâm nhập vào nội đồng nên việc gieo sạ lúa đã thuận lợi. Nên từ 2020, thị xã Giá Rai phát động nông dân thực hiện mô hình lúa- tôm, sản xuất xen canh một vụ lúa, một vụ tôm. Nhiều nơi, bà con còn kết hợp nuôi thêm tôm càng xanh, nuôi cá kèo trong thời điểm trồng lúa. Đến nay, những cánh đồng lúa trên đất nuôi tôm ở thị xã Giá Rai đang một màu xanh trãi dài. Những nơi gieo sạ sớm, lúa đã ướm vàng chờ chín rộ trong nắng xuân, hứa hẹn mùa bội thu.

Lúa trúng giá được mùa , hứa hẹn một mùa tết vui vẻ đầm ấm cho người dân vùng tôm - lúa Bạc Liêu. (ảnh Hoàng Nam).
Lúa trúng giá được mùa , hứa hẹn một mùa tết vui vẻ đầm ấm cho người dân vùng tôm - lúa Bạc Liêu. (ảnh Hoàng Nam).

Anh Phạm Hoàng Anh ở xã Phong Thạnh A, địa phương khó khăn nhất của thị xã Giá Rai cho biết: “Từ khi thực hiện mô hình lúa- tôm, thu nhập kinh tế gia đình anh tăng lên đáng kể. Riêng vụ lúa này gia đình gieo sạ trên 3ha, dự kiến gần tết thu hoạch. Năm nay lúa trúng mùa, trúng giá nên bà con đều phấn khởi. Trừ chi phí, thêm nguồn thu từ nuôi tôm - cá, thu nhập của gia đình năm nay gần 500 triệu đồng.”

Ông Phạm Văn Hết, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai cho biết:  “Mô hình lúa - tôm đã làm đời sống người dân trong xã phát triển rõ rệt. Xã có hơn 400 hộ nghèo và cận nghèo, nay còn 47 hộ nghèo; thu nhập đạt trên 70 triệu đồng/năm. Xã đang phấn đấu trong năm 2024, thu nhập bình quân đạt từ 74 triệu đồng/người trở lên. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, qua lấy phiếu sự hài lòng của nhân dân trong xã thì có đến 98% hài lòng rất cao về công tác chuyển dịch kinh tế, cải cách điều hành, quản lý của Đảng bộ, chính quyền xã.”

Còn tại huyện Hồng Dân, anh Phạm Hoàng Lâm, 53 tuổi, ngụ kênh 14 ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi cho biết: “Trước kia, phèn nặng nên gia đình chỉ làm nghề trồng khóm, đan lát trầm lá. Từ khi xẻ kênh, rửa phèn, con kênh 14 này mới trở nên trù phú. Bây giờ mỗi năm làm 2 vụ lúa – 1 vụ tôm, đất không còn phèn nặng như xưa, canh tác không xài thuốc hóa học, chỉ cần dùng phân hữu cơ để dằn – lót. Năm 2023, 3ha ruộng thu hoạch được gần 30 tấn lúa, thêm trúng tôm trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.”

Thành công nhờ tôm - lúa:

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) huyện Hồng Dân, từ khi thực hiện mô hình tôm - cua - cá - lúa, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá - giàu, hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng ổn định, không như trước kia chỉ thu nhập trong mùa lúa. Nhờ phát huy thế mạnh đa canh, đa con trên cùng diện tích đất sản xuất mà đời sống người dân huyện Hồng Dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện xây những ngôi nhà khang trang và mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần vào phát triển thay đổi diện mạo nông thôn.

Diện mạo nông thôn huyện Hồng Dân nhiều đổi thay, khi đường ô tô băng qua "Cánh đồng chó ngáp" đến nhiều xã ấp vùng sâu. (ảnh Hoàng Nam).
Diện mạo nông thôn huyện Hồng Dân nhiều đổi thay, khi đường ô tô băng qua "Cánh đồng chó ngáp" đến nhiều xã ấp vùng sâu. (ảnh Hoàng Nam).

Ông Tăng Bình ở ấp Cỏ Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi sản xuất theo hình thức độc canh cây lúa. Do đất ở đây nhiễm phèn nên lúa không đạt năng suất, đời sống rất khó khăn. Nhưng từ khi chuyển sang nuôi nuôi tôm - cua - cá - lúa thì gia đình tôi có của ăn, của để. Mỗi năm tôi làm 1 vụ lúa xen canh nuôi thêm tôm - cua – cá, lãi hơn 200 triệu đồng, năm nay lúa trúng được giá, lãi cao hơn nhiều.”

Ông Trần Văn Hài, ấp Phước Hòa, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân thông tin: “Nhờ mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất kết hợp mà nhiều hộ sống ổn định, thoát nghèo. Năm nay, tôi tiếp tục sản xuất theo mô hình kết hợp tôm - cua - cá – lúa do tiết kiệm chi phí nhưng lợi nhuận cao.”

Thuận thiên cho lúa thơm, tôm sạch

Bạc Liêu có gần 40.000ha đất sản xuất theo mô hình lúa- tôm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Hiệu quả  từ việc kết hợp giữa cây lúa - con tôm đã và đang tạo sự ổn định phát triển cho các vùng ngọt hóa.

Trồng lúa xen canh nuôi tôm càng xanh, cá nước lợ ở huyện Phước Long (ảnh Hoàng Nam)
Trồng lúa xen canh nuôi tôm càng xanh, cá nước lợ ở huyện Phước Long
(ảnh Hoàng Nam)

Vì vậy, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình sản xuất này, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh tại nhiều khu vực để chủ động điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt nên mô hình này càng phát huy hiệu quả. 

​Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Định hướng đến năm 2025, Bạc Liêu mở rộng diện tích lên hơn 43.000 ha. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ NN&PTNT xây dựng mô hình, đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập huấn chuyển giao KH-KT nhằm nhân rộng; tăng cường thông tin đến người dân về tình hình khí tượng thủy văn, lịch thời vụ, lịch điều tiết nước, tình hình dịch bệnh, giải pháp phòng trừ, sâu bệnh, … để nông dân chủ động trong sản xuất.”

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Bạc Liêu còn sẽ đầu tư theo hướng chiều sâu đối với các sản phẩm từ lúa – tôm của nông dân. “Xây dựng mô hình tôm sạch - lúa an toàn theo quy trình hữu cơ nhằm nâng cao giá trị và kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, tôm sạch mang thương hiệu Bạc Liêu; đẩy mạnh công tác cấp mã số vùng trồng, mã số ao nuôi, xây dựng vùng sản xuất lúa, vùng nuôi an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mô hình canh tác này theo hướng lúa thơm - tôm sạch, lúa – tôm hữu cơ” – ông Phạm Văn Mười thông tin thêm.

Xóm "nhà lầu" ở vùng quê Hồng Dân, nhờ tôm - lúa thuận thiên người dân có nhà đẹp khang trang, mua sắm thêm máy móc phục vụ sản xuất. (Hoàng Nam).

 

Bộ NN&PTNT vừa có quyết định phê duyệt dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam quốc lộ 1 thuộc tỉnh Bạc Liêu với tổng chi phí hơn 1.450 tỷ đồng.

Mục tiêu nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng (giảm ngập do triều cường, sụt lún đất và nước biển dâng) cho khu vực phía Nam tỉnh Bạc Liêu. Kết hợp các công trình khác, dự án có nhiệm vụ điều tiết nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản vào mùa khô cho khoảng 13.000ha vùng Bắc quốc lộ 1 về vùng Nam quốc lộ 1, 5,000 ha lúa-tôm ven kênh Cà Mau - Bạc Liêu.