Nông dân Cần Thơ bắt nhịp chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp nông dân Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm và làm tăng khả năng cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Nghị quyết chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nông nghiệp là 1 trong 9 ngành, lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, UBND TP đã ban hành Kế hoạch về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; trong đó đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn.
Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn.

Nhờ đó, hoạt động chuyển đối số trong nông nghiệp và nông thôn của thành phố đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận thông qua một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản; mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây...

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nông nghiệp, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn.

Hiện đã có 45 tổ chức, cá nhân tham gia đưa 138 sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến lên quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử này.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp các sở ngành và đơn vị có liên quan để tập huấn, hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đưa sản phẩm lên quảng bá và bán tại nhiều sàn thương mại điện tử khác như: voso.vn; postmart.vn; sendo.vn; lazada.vn… Đến nay, có 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi kết nối giữa các hộ bán nông sản và doanh nghiệp, chợ đầu mối. Đồng thời cũng giúp nông dân, HTX tiếp cận các dụng cụ, thiết bị, vật tư của doanh nghiệp, đây là quan hệ 2 chiều. Ngoài ra, sàn thương mại điện tử còn có ý nghĩa lớn vì theo bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, xã được công nhận nông thôn mới phải có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử”.

Đồng hành cùng nông dân tiếp cận công nghệ

Ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm, TP Cần Thơ đang xây dựng đề án thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng. Ngoài hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, hợp đồng điện tử, thì đây cũng là Tổ chuyển đổi số cộng đồng giúp nông dân truy xuất nguồn gốc nông sản, kết nối doanh nghiệp, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Tổ này sẽ được tập huấn thêm cách làm video clip đăng lên Youtube, Tiktok… giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn với du lịch nông nghiệp.

Đây là những bước khởi đầu quan trọng để vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nền tảng công nghệ số. Thông qua các chương trình khuyến nông và tranh thủ sự hỗ trợ từ các viện, trường và các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp được Trung ương và các tổ chức quốc tế tài trợ, Cần Thơ cũng từng bước đưa những thiết bị, giải pháp công nghệ mới vào ứng dụng trong nông nghiệp.

Người dân xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: T.L
Người dân xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa. Ảnh: T.L

Theo UBND TP Cần Thơ, hiện tại, lãnh đạo thành phố đang đẩy mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tìm ra giải pháp phát triển tương xứng với tiềm năng.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng đã có tham luận về tiềm năng và cơ hội chuyển đổi số của Cần Thơ trong công cuộc phát triển nông nghiệp địa phương và toàn vùng.

Một số đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ cũng đã xây dựng nền tảng công nghệ, sáng tạo các mô hình mới giúp nâng cao hiệu quả như mô hình Hệ thống giám sát môi trường trên nền tác tử (AEMS - Agent based Environment Monitoring System) của Trường Đại học Cần Thơ; Nền tảng nông nghiệp thông minh mobiAgri và IoT mFarm của MobiFone khu vực ĐBSCL; Ứng dụng EDEM của Thinksmart Cần Thơ...

Ông Trần Việt Trường -  Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những bước đi cần thiết, trong đó chuyển đổi số, là một trong những xu hướng tất yếu, là chìa khóa để ngành nông nghiệp và nông thôn phát triển nhanh và bền vững.

Hiện TP Cần Thơ đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và hướng dẫn người dân, HTX, doanh nghiệp đăng ký, quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Đến nay, Cần Thơ đã đưa được 92 thương hiệu OCOP lên trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Cần Thơ cũng đã triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng thông qua mã QR dán trên hàng hóa; tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ nông dân để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.