Nông dân “đánh đu” cùng thị trường

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá cả nông sản hiện rất bấp bênh, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của một bộ phận người nông dân.

 Thu hoạch củ cải tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng
Sản lượng ổn định, thị trường thu hẹp
Ngày thứ 4 Hà Nội tổ chức cách ly toàn xã hội, chị Nguyễn Thị Liên (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) vẫn xuống đồng chăm sóc và thu hoạch rau màu như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Hiện, gia đình chị vẫn duy trì 4 sào canh tác các loại rau ăn lá.
Không chỉ chị Liên, nhiều nông dân miền quê ven sông Đáy vẫn duy trì diện tích sản xuất các loại rau. Sản lượng cung ứng cho thị trường cũng gần như không sụt giảm do vẫn có nhu cầu thị trường. Mặc dù vậy, giá cả các loại rau hiện rất bấp bênh. “Ngày phát hiện ca mắc dịch Covid-19 thứ 17, hay trước ngày TP cách ly toàn xã hội (ngày 1/4), người dân đổ xô đi mua hàng hoá tích trữ nên rau được giá cao. Tuy nhiên hiện nay, giá rau rất thấp, nhiều loại giảm đến 30%” – chị Liên cho hay.
Tương tự, tại vựa rau lớn nhất nhì Hà Nội ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh), Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho biết, giá bán các loại rau đang sụt giảm khá nhiều. Nguyên nhân là bởi thương lái các tỉnh về thu mua ít hơn, trong khi, nhiều chợ dân sinh cũng không còn hoạt động giữa bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Cũng giống như rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhìn chung vẫn khá ổn định về sản lượng nhưng giá bị ảnh hưởng, không có lợi cho người sản xuất. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn... phải đóng cửa khiến việc tiêu thụ gặp nhiều trở ngại. “Hiện, chúng tôi vẫn duy trì cho ra thị trường 15.000 con gà lông/tháng. Tuy nhiên, giá gà lông giảm khoảng 30%, từ 85.000 đồng/kg giờ xuống còn hơn 60.000 đồng/kg…” – Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho biết.
Tăng cường liên kết tiêu thụ
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP cơ bản ổn định trong bối cảnh dịch Covid-19. Đáng chú ý, sản lượng thịt gia súc, gia cầm và trứng các loại trong quý I/2020 thậm chí tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vậy, giá cả thị trường biến động lại khiến doanh thu của một bộ phận nông dân sụt giảm. Thực tế, hầu hết người sản xuất hiện vẫn chủ yếu bán buôn qua thương lái, cho các mối khách quen. Số lượng nông sản tiêu thụ qua các kênh phân phối ổn định còn rất hạn chế. Điều này khiến nông dân bị phụ thuộc lớn vào thị trường.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các DN “bắt tay” với người nông dân để xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa. Cùng với đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được khống chế, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường năng lực sản xuất. Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh duy trì diện tích sản xuất hiện nay, cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng Thủ đô.
Hiện, cùng với duy trì 87.300ha lúa để bảo đảm an ninh lương thực, TP đang phát triển trên 8.000ha rau màu, 18.900ha cây ăn quả. Tổng đàn lợn của Hà Nội cũng dần phục hồi sau dịch tả châu Phi với hơn 1,1 triệu con.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần