Nông dân Sơn La "đổi đời" từ cây ăn quả
Kinhtedothi - Sơn La đã xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả theo 3 cấp, tiến tới tổ chức cấp mã số vùng trồng, tạo độ nhận diện cho hoa quả chất lượng cao trên bản đồ nông sản Việt Nam, giúp nông dân phát triển kinh tế.
Nhờ phát triển cây ăn quả, những năm qua, người dân tỉnh Sơn La đã có nguồn thu nhập thường xuyên, giúp ổn định cuộc sống. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt gần 85.000 ha; sản lượng quả đạt trên 453.554 tấn, so với năm 2017, diện tích cây ăn quả tăng 91,2%.
Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: xoài Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ huyện Mộc Châu; sơn tra Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu; vùng trồng nhãn tại huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu…

Tỉnh Sơn La tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ, phát huy tiềm năng của các loại cây ăn quả thế mạnh, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Nhận thấy tiềm năng của giống nhãn Ánh vàng 205, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai đề án “Xây dựng và phát triển mô hình nhãn Ánh Vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La” giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu phát triển các mô hình trồng mới và ghép cải tạo nhãn Ánh Vàng nhằm tạo ra sản phẩm nhãn theo hướng tăng năng suất, chất lượng và từng bước nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) hiện có 10.150 ha xoài, nhãn, mận hậu; trong đó, trên 1.500 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 36 mã số vùng trồng xuất khẩu, với diện tích gần 700 ha.
Toàn huyện có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: vùng mận tại xã Phiêng Khoài, vùng nhãn tại xã Lóng Phiêng và vùng xoài tại xã Chiềng Hặc. Chất lượng các loại cây ăn quả đã được khẳng định, tạo uy tín trên thị trường. Năm 2024, huyện tiêu thụ và xuất khẩu 74.000 tấn quả các loại; giá trị các loại quả xuất khẩu đạt 5,9 triệu USD. Có thể nói, phát triển kinh tế hàng hóa, chuyển đổi từ đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả đang giúp giá trị kinh tế của huyện được nâng lên.
Là xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện Yên Châu, Tú Nang có 760 ha xoài, 800 ha nhãn, sản lượng trung bình đạt trên 17.300 tấn quả/năm. Các hộ trồng cây ăn quả của xã đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xã có 4 hợp tác xã (HTX) liên kết thu mua xoài, nhãn xuất khẩu. Điển hình, HTX hoa quả Quyết Tâm đã liên kết hơn 170 hộ sản xuất trên 500 ha nhãn, xoài; trong đó, 186 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc. Năm 2024, sản lượng nhãn, xoài của HTX tiêu thụ và xuất khẩu đạt 4.600 tấn.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện đáp ứng hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả chủ lực của địa phương năm 2025, huyện Yên Châu đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát huy vai trò các doanh nghiệp, HTX và người dân trong việc chủ động kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Dự kiến năm 2025, sản lượng các loại quả của huyện Yên Châu đạt khoảng 87.000 tấn; phấn đấu tiêu thụ trong nước và đưa vào chế biến khoảng 77.620 tấn quả; xuất khẩu 9.380 tấn quả tươi sang các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ, Anh...
Theo ông Lò Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, huyện đang phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn bán hàng online trên nền tảng số; hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất tham gia hội chợ, tuần hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn; khuyến khích các HTX đầu tư các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến để giảm sức ép cho việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi; xây dựng, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng tính hấp dẫn, khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu...
Tại huyện Mai Sơn, trong vòng gần 10 năm (từ 2015 đến 2024), diện tích cây ăn quả đã tăng từ 1.500 ha lên 11.500 ha, với cây trồng chủ lực là nhãn, xoài, na, chanh leo, cây có múi. Cơ cấu sản xuất của huyện được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã, thị trấn, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Hiện nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả theo ba cấp: Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; sản phẩm đặc sản địa phương theo chương trình OCOP, lồng ghép vào các quy hoạch phát triển ngành cấp quốc gia, quy hoạch tỉnh; tiến tới tổ chức cấp mã số vùng trồng, tạo độ nhận diện cho hoa quả chất lượng cao trên bản đồ nông sản Việt Nam…
Sau 5 năm nỗ lực, kể từ năm 2020 cho đến nay, Sơn La từ một địa phương với những người sản xuất nông nghiệp chỉ bán sắn, bán ngô đã thay đổi ngoạn mục, duy trì vị thế vựa cây ăn quả lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc, được đánh giá là một “hiện tượng kinh tế nông nghiệp”.

Nông dân phấn khởi khi giá lúa đặc sản tăng
Kinhtedothi - Trong bối cảnh giá lúa gạo đang có xu hướng giảm, nhiều hộ dân ở ĐBSCL vẫn bán được lúa với giá cao, đặc biệt với lúa thơm và lúa đặc sản như ST25 được doanh nghiệp, thương lái mua cao hơn cùng kỳ.

Nông dân Hà Nội làm giàu nhờ trồng rau an toàn
Kinhtedothi - Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất VietGAP, hữu cơ, đến nay, Hà Nội đã hình thành và phát triển nhiều vùng rau an toàn có thương hiệu, chất lượng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Giá tiêu hôm nay 30/3/2025: nguồn cung chậm khi tâm lý găm hàng của nông dân tăng cao
Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 30/3/2025 trong khoảng 159.000 - 160.000 đồng/kg. Trong tuần này, giá tiêu đột ngột giảm mạnh nhưng hồi phục vào thời điểm cuối tuần. Tại các tỉnh, vụ thu hoạch vẫn đang diễn ra. Nắng hạn ở Tây Nguyên vừa qua đã gây mối lo cho năng suất vụ sau.