Chỉ một bộ phận triển khai
Dự thảo Đề án lần này có những thay đổi, được nhiều chuyên gia đánh giá cao, nhất là đề ra các giải pháp xây dựng CT và SGK thử nghiệm, tổ chức thử nghiệm, xây dựng CT và ban hành SGK mới, triển khai trong phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, dự thảo Đề án nêu rõ: "Chỉ những trường đã có đủ điều kiện mới triển khai CT, SGK mới; các trường chưa đủ điều kiện thì tích cực chuẩn bị điều kiện để được triển khai, áp dụng". Đây là điều khiến các chuyên gia "kinh ngạc", bởi lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới chỉ áp dụng cho những nơi có đủ điều kiện. Với định hướng này, rất nhiều địa phương và các trường sẽ nằm ngoài cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Định hướng này cũng mâu thuẫn với quan điểm "quản lý việc xây dựng và thực hiện CT, đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh" đã được nêu trong dự thảo Đề án.
Đề án cũng đề cập đến yêu cầu và điều kiện thực hiện CT, SGK mới, đó là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên lại chưa có phương án giải quyết, trong khi đây là 2 yếu tố cấu thành chất lượng. Vì vậy, có 2 đề án nhỏ được các chuyên gia đề xuất với Bộ GD&ĐT là Đổi mới công tác đào tạo giáo viên và Chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường. Đây là cách để có thêm nhiều trường đủ điều kiện để triển khai CT và SGK mới.
Theo lộ trình thực hiện, Đề án kết thúc vào năm 2020. Không ít chuyên gia lo lắng và sốt ruột vì kinh nghiệm thực tế cho thấy, Đề án có thể phải kéo dài đến năm 2024, gây lãng phí công sức và tiền của. Vì vậy, nhiều chuyên gia đồng tình với đề nghị của GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: "Đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế CT, SGK mới thích ứng với thay đổi nhanh chóng này. Ví dụ, thiết kế phần cứng và mềm, có độ mở linh hoạt để tiếp nhận những yếu tố mới mà không thay đổi nhiều".
Tổ chức trại viết sách giáo khoa
10 năm hoàn thành Đề án là thời gian quá dài để thay đổi căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Trong thời gian này, rất có thể trên thế giới sẽ diễn ra một cuộc cách mạng đổi mới giáo dục. Vậy nên, nhiều chuyên gia đề nghị cần làm nhanh nhưng thận trọng, việc gì làm trước được thì cho triển khai, bỏ bớt những khâu rườm rà, cứng nhắc không mang lại hiệu quả. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh bức xúc: Tiêu chuẩn viết SGK đã rõ ràng thì chọn người rồi phổ biến chủ trương đổi mới, thảo luận thống nhất quan điểm, cách thức và bắt đầu biên soạn. Và việc biên soạn SKG cần được tổ chức khác trước. Đó là tổ chức "Trại viết SGK" để các tác giả làm việc tập trung theo giờ hành chính. Cách làm này có ưu điểm là các tác giả tách khỏi cơ quan để tập trung toàn bộ thời gian và chỉ suy nghĩ cho việc viết SGK. Khi làm việc tập trung, các tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau, tham gia ý kiến với nhóm tác giả các bộ môn lân cận, với tác giả các cuốn sách lớp dưới… "Tôi tin chắc rằng, làm việc theo công thức "Trại viết SGK" sẽ nhanh ít nhất là gấp 10 lần so với cách làm việc trước đây, chỉ mất khoảng 6 tháng" - PGS Văn Như Cương khẳng định.
GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đồng tình với đề nghị CT chuẩn nhưng có phần cứng và mềm phù hợp với học sinh từng vùng miền; một CT và nhiều bộ SGK, nhưng có 1 bộ chuẩn do Nhà nước ban hành. GS.TS Đào Trọng Thi cho biết, với những góp ý của các chuyên gia giáo dục, Đề án sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện hơn để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Học sinh lựa chọn sách tại một nhà sách ở phố Giảng Võ. Ảnh: Duy Anh
|
Nhiều chuyên gia đề nghị không nên thay SGK theo kiểu "cuốn chiếu" (năm nay lớp 1, 6 và 10, năm tới lớp 2, 7 và 11) - cách làm này phải mất 5 năm mới xong. Nên chăng, thay đồng loạt từ lớp 1 đến 12, lộ trình rút ngắn chỉ còn 1 năm. Việc biên soạn SGK nên giao cho các nhà xuất bản đáp ứng được yêu cầu, Bộ GD&ĐT khống chế về chương trình và nội dung. |