Nồng nàn hương vị bánh thuẫn quê hương

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi độ tháng 9-10 âm lịch hàng năm, lò bánh thuẫn của bà Lê Thị Công (61 tuổi, thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) lại tất bật, đỏ lửa từ sáng đến tối muộn để làm ra sản phẩm, phục vụ thị trường dịp Tết.

Bà Công bắt đầu làm bánh thuẫn từ năm 1980, đến nay đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề. Thời gian đầu, bà làm lấy ngày công theo yêu cầu của khách hàng, sau đó bà Công lặn lội đi tìm mối bỏ hàng ở TP Quảng Ngãi và mở rộng quy mô sản xuất.
 Nguyên liệu làm bánh thuẫn rất đơn giản, chỉ gồm bột, đường, trứng trộn lại.
Bột được cho vào từng chiếc khuôn nhỏ rồi nướng chín thủ công bằng lửa trên, lửa dưới.
Để có những chiếc bánh thuẫn chín vàng, không bị nhão hoặc sém cháy, người thợ phải trộn bột đúng công thức và canh lửa vừa phải.  

 Bánh thuẫn vừa chín tới tỏa hương thơm lừng. Người thợ nhanh tay lấy bánh ra khỏi khuôn để chuẩn bị cho công đoạn tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Phô (bên trái, 84 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thoa (80 tuổi) - mẹ và dì của bà Công, phụ trách công việc nhẹ nhàng nhất là xếp bánh đã được nướng chín vào khay trước khi đưa vào lò sấy.
 Bánh thuẫn được sấy trong lò thủ công bởi than hồng sẽ trở nên khô, chắc, lâu bị hư hỏng và dễ vận chuyển đi xa.
 Bánh sấy xong, để nguội rồi được xếp gọn vào túi nilon. Mỗi túi 20 bánh và mang đi tiêu thụ.
Bánh thuẫn đạt chuẩn có mùi thơm, màu vàng sậm phía dưới, còn phía trên bánh có hình cánh hoa màu vàng như hoa mai. Hoa bánh càng đều cánh thì càng đẹp. Ngày nay, mặc dù có nhiều loại bánh công nghiệp nhưng bánh thuẫn vẫn chiếm vị thế nhất định trong lòng người dân Quảng Ngãi. Bánh thuẫn là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết, bàn thờ gia tiên...