Nông nghiệp gặp khó vì thời tiết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng hạn hán lịch sử tại các tỉnh miền Trung và cả Thủ đô Hà Nội đang cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến sản xuất nông nghiệp ngày một gia tăng.

Trong khi đó, việc tìm ra cơ chế thích ứng bền vững với những tác động này vẫn còn lúng túng.
Ảnh hưởng của bão số 1 hồi cuối tháng 6 tại các tỉnh Bắc bộ đã làm khoảng 5.500ha lúa bị ngập và hư hại, diện tích mạ bị thiệt hại khoảng 1.600ha.
Thiệt hại sau cơn lốc của một hộ dân trồng bưởi trên địa bàn huyện Mê Linh.
Ảnh hưởng nặng nề

Chưa bao giờ, sản xuất nông nghiệp lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay. Không chỉ giá nhiều mặt hàng nông sản rớt thảm hại, tác động xấu của thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là tình trạng hạn hán tại các tỉnh miền Trung. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), do ảnh hưởng của hiện tượng El – Nino (nước biển nóng lên), ở các tỉnh Trung Bộ có nền nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn trung bình nhiều năm trong khi lượng mưa lại thấp hơn. Thông thường vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ có lũ tiểu mãn song năm nay lũ lại không theo quy luật, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng dòng chảy và nhiều hồ chứa đều trong tình trạng cạn kiệt.
Ảnh hưởng của bão số 1 hồi cuối tháng 6 tại các tỉnh Bắc bộ đã làm khoảng 5.500ha lúa bị ngập và hư hại, diện tích mạ bị thiệt hại khoảng 1.600ha.

Ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, tình hình hạn hán đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp. Riêng vụ Đông Xuân 2014 - 2015, hạn hán đã làm thiệt hại trên 5.000ha cây trồng, chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Tiếp đó, vụ Hè Thu này, hàng chục ngàn héc ta sản xuất nông nghiệp cũng đang trong tình trạng thiếu nước. Tính đến trung tuần tháng 7, tình hình hạn hán tại các tỉnh miền Trung đã được cải thiện, song diện tích không sản xuất được và đang bị hạn của một số địa phương vẫn còn lớn. Cụ thể, tỉnh Bình Định còn hơn 3.000ha, tỉnh Khánh Hòa còn hơn 9.000ha, Bình Thuận hơn 5.000ha, riêng Ninh Thuận vẫn còn trên 10.000ha.

Tại Hà Nội, năm nay cũng được coi là một năm “lịch sử” của ngành thủy lợi khi phải chống chọi với điều kiện thời tiết khô hạn. Ông Đặng Tuấn Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích cho biết, lịch sử trạm bơm Phù Sa ra đời sau hơn 80 năm, lần đầu tiên phải lắp máy bơm dã chiến chống hạn trong vụ Mùa khi mực nước sông Hồng xuống quá thấp, có thời điểm chỉ 3,8m. Bởi vậy, dù đã rút máy bơm dã chiến từ tháng 6 để “chạy lũ” tiểu mãn, song Công ty Sông Tích đã phải gấp rút lắp đặt trở lại 21 tổ máy ở trạm bơm dã chiến Phù Sa để điều tiết nước chống hạn cho các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và Phúc Thọ.

Chủ động thích ứng

Thời tiết khắc nghiệt chính là một trong những nguyên nhân khiến cho lĩnh vực trồng trọt 6 tháng đầu năm nay có mức tăng trưởng thấp nhất trong vài năm trở lại đây (1,1%), kéo theo tăng trưởng của toàn ngành cũng thụt lùi so với cùng kỳ 3 năm trước. Rõ ràng, BĐKH đã và đang trở thành câu chuyện đầy tính thời sự trong sản xuất nông nghiệp khi mà quy luật của thời tiết như mưa, bão ngày càng có tính bất thường. Điều đáng nói, vấn đề này đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí, Chính phủ đã có cả một Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, song việc xây dựng một cơ chế thích ứng cho nền sản xuất nông nghiệp hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng chất vấn tư lệnh ngành nông nghiệp về giải pháp ứng phó với BĐKH. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, hiện tượng El - Nino đang bao trùm toàn khu vực kéo theo mưa gió thất thường và nắng nóng rất cực đoan. Do đó, cần phải có biện pháp ứng phó căn cơ cả trước mắt và lâu dài. Riêng vấn đề hạn hán, trước mắt cần chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn, áp dụng các giống ngắn ngày, các kỹ thuật tưới tiết kiệm... Về lâu dài, phải đầu tư xây dựng nhiều hơn các hồ chứa nước gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Tại Hà Nội, việc tháo dỡ trạm bơm dã chiến trước thời điểm lũ tiểu mãn năm nay cũng được đánh giá là chưa dự báo hết tình hình thực tế. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, BĐKH đang thể hiện ngày càng rõ nét, ảnh hưởng không nhỏ tới thời vụ sản xuất. Do đó, từ giờ đến cuối năm, ngành nông nghiệp phải ghi chép diễn biến thời tiết để có phương án dự phòng ứng phó với BĐKH. Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, công tác thủy lợi phải quan tâm đến cả tưới cho cây ăn quả, rau màu, vùng đồi gò thay vì chỉ tập trung tưới cho cây lúa và khu vực đồng bằng như hiện nay.