Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp Hà Nội 2021, nhiều điểm sáng trong năm đại dịch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021, nông nghiệp Hà Nội chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19. Dù vậy, toàn ngành vẫn nỗ lực thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, thu về nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề cho phục hồi, phát triển nông nghiệp năm 2022.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mê Linh.

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,46%

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương và TP, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân; ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh; từng bước phục hồi, ổn định sản xuất.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 toàn TP đạt khoảng 39.569 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm 2020. Phân theo cơ cấu ngành, giá trị kinh tế mang lại của nhóm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đạt gần 36.114 tỷ đồng, chiếm 91,3%; Thủy sản 3.356 tỷ đồng, chiếm 8,5%; Lâm nghiệp 98,4 tỷ đồng, chiếm 0,2%.

Nông nghiệp Hà Nội phát triển tương đối đồng đều ở các nhóm lĩnh vực. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Nông nghiệp Hà Nội phát triển tương đối đồng đều ở các nhóm lĩnh vực.
Ảnh: Lâm Nguyễn.

Đáng chú ý khi hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp đều có giá trị sản xuất tăng trong năm 2021. Số liệu thống kê sơ bộ của Cục thống kê Hà Nội cho thấy, dù tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm năm 2021 đạt khoảng 231.557ha, giảm 1,57% so với năm 2020, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lương thực có hạt năm 2021 vẫn tăng 0,9% so với năm trước.

Chăn nuôi trên địa bàn TP năm 2021 nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. So với cùng kỳ năm 2020, đàn trâu hiện có 27.500 con, tăng 5,21%; đàn bò 130.480 con, tăng 0,08%; đàn lợn 1,374 triệu con, tăng 9,07%; đàn gia cầm 39,8 triệu con, tương đương so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng đàn gà đạt 27,6 triệu con, tăng 4,14%.

“Cùng với tổng đàn tiếp tục tăng, sản lượng thịt hơi các loại của Hà Nội trong năm 2021 đạt tới 405.417 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng sữa tươi đạt 38.670 tấn, tăng 5,9%; trong khi sản lượng trứng gia cầm các loại cũng đạt gần 2,6 tỷ quả, tăng 7,38%” - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.

Nâng cao chất lượng nông sản

Một trong những điểm nhấn của ngành nông nghiệp năm 2021 là việc Hà Nội tiếp tục duy trì được nhiều mô hình trình diễnsử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao. Đến nay, toàn TP có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. 

 

“Trong năm 2021, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội tiếp tục gặt hái được kết quả nổi bật. 27 quận, huyện, thị xã đã đăng ký 595 sản phẩm để Hội đồng của TP tiến hành đánh giá, phân hạng. Dự kiến, TP sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, qua đó, nâng tổng số sản phẩm OCOP của Hà Nội lên con số hơn 1.500”.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn.

Theo đánh giá của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường. Điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ điệp của Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, huyện Đan Phượng; Công ty CP giống gia cầm Ngọc Mừng, huyện Đông Anh; Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao, huyện Mỹ Đức…

Để thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, năm 2021, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, khảo nghiệm, quy trình kỹ thuật, các mô hình trình diễn trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như trên cây trồng là công nghệ tự động hóa, bán tự động trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính; điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch; công nghệ sấy bảo quản nông - thủy sản…

Đối với lĩnh vực vật nuôi là các quy trình công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh, tự động hóa, kiểm soát môi trường trong nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, tự động hóa trong canh tác; hay công nghệ nano trong sản xuất; công nghệ quản lý chất lượng cho nông sản hàng hóa theo tiêu chất lượng gắn với việc truy xuất nguồn gốc... cũng được các sở, ban ngành đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tốc độ tăng trưởng thực tế đạt được vẫn thấp hơn so với mục tiêu của kịch bản tăng trưởng được TP giao (khoảng 4,2% trong năm 2021).

Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong năm 2022. Ảnh: Trọng Tùng.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong năm 2022. Ảnh: Trọng Tùng.

Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Các cơ sở, trang trại, gia trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn ít, trong khi bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch.

Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng bỏ ruộng không gieo cấy vụ; người sản xuất không mặn mà với sản xuất trồng trọt. Việc triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa còn chậm và chưa được quy hoạch thành vùng tập trung. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao và số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn… 

 

Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Định hướng phát triển của TP là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong năm 2022, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục tập trung cho mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực dự báo thị trường; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị…

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các bộ ngành tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai để có quy định định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục quan tâm, tăng tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tăng cường kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia phát triển những dự án xây dựng hạ tầng khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội…