Truy xuất nguồn gốc: “Giấy thông hành” của hàng hóa xuất khẩu
Kinhtedothi - Bên cạnh chất lượng mẫu mã, giá thành, doanh nghiệp (DN) phải coi truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng như “giấy thông hành” để tăng độ tin cậy, bảo đảm cho sản phẩm được lưu hành thuận lợi trong nước và thị trường xuất khẩu.
Vì sao doanh nghiệp không mặn mà?
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện Việt Nam được xem là cường quốc xuất khẩu trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Do đó, tất yếu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều yêu cầu của các thị trường, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Truy xuất nguồn gốc là “giấy thông hành” của hàng hóa xuất khẩu. Ảnh minh họa
Nếu như trước đây, yêu cầu truy xuất hàng hóa chỉ với một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, đồ gỗ…, thì hiện nay, yêu cầu này đã mở rộng sang rất nhiều mặt hàng. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc đặt ra với toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến bán thành phẩm và thành phẩm.
Mặt khác, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Ví dụ như Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu sản phẩm dệt may phải dùng sợi dệt vải sản xuất ở Việt Nam hoặc các nước trong nội khối. Không chỉ các FTA thế hệ mới, hiện hầu hết các FTA đều bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Các DN xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ quy định này mới mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Phân tích rõ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, thực tế, không ít DN, nhất là DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nguyên nhân là bởi chuỗi cung ứng hiện nay rất phức tạp, với nhiều khâu, nhiều đầu vào. Để có hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, DN phải đầu tư khá lớn cả công nghệ và các nguồn lực khác, trong khi DN còn hạn chế về vốn, chuyên môn kỹ thuật.
Còn theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải công khai và chia sẻ dữ liệu khiến DN còn e ngại vấn đề bảo mật dữ liệu liên quan tới bí mật thương mại, thông tin cá nhân... Nhiều DN còn chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chưa coi đây là vấn đề thiết yếu, thực sự cần thiết. Mặt khác, quy định về truy xuất nguồn gốc hiện chủ yếu mang tính tự nguyện nên nhiều DN chưa áp dụng hay chưa muốn đầu tư cho truy xuất nguồn gốc.
Về phía cơ quan Nhà nước, mặc dù đã triển khai các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời đưa ra nhiều quy định, yêu cầu và tổ chức thực hiện, hỗ trợ các DN nhưng số DN tham gia hiện chưa được như mong muốn.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới
Giới chuyên gia cho rằng, DN và Nhà nước còn rất nhiều việc cần làm để hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiệu quả hơn trong bối cảnh công nghệ mới bùng nổ. Bởi, truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực chất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ. Do đó, để hoạt động này hiệu quả hơn đòi hỏi cả DN và cơ quan quản lý Nhà nước phải có các giải pháp công nghệ mới.
Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi quản lý của ngành và địa phương; đồng thời phải kết nối các hệ thống này với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia.
Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chủ yếu dùng công nghệ blockchain để xây dựng hệ thống thông tin. Tuy nhiên, công nghệ phát triển và thay đổi rất nhanh nên các bộ, ngành, địa phương cần có các lực lượng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ cho DN tốt nhất, thuận lợi nhất, với hệ thống giao diện thân thiện và dễ sử dụng nhất.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang đề xuất, để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất cần phải có sự hướng dẫn và hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, nông dân cá thể chuyển đổi số và tự xây dựng các hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm của họ. Đồng thời, hướng dẫn họ kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc này với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần cung cấp những giải pháp, công cụ truy xuất nguồn gốc trực tuyến hay nhật ký điện tử, hệ thống định vị… giúp các DN, hợp tác xã và đặc biệt là các hộ nông dân có thể cập nhật thông tin về nguồn gốc xuất xứ thay vì cách làm thủ công. Việc này giúp truy xuất nguồn gốc một cách nhanh chóng, tự động, chính xác và có độ tin cậy cao.
Trích dẫn
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên cơ quan quản lý Nhà nước cần đưa ra những quy định, tiêu chuẩn cụ thể đối với các loại hàng hóa khác nhau, trên cơ sở đó DN có thể xây dựng được truy xuất nguồn gốc.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương)

Gánh nặng truy xuất nguồn gốc đè lên sàn thương mại điện tử
Kinhtedothi - Quy mô TMĐT Việt Nam năm 2025 có thể lên tới 25 - 32 tỷ USD với mức tăng trưởng từ 18 – 20%, chiếm vị trí đáng kể trong lĩnh vực thương mại và kinh tế số. Tuy nhiên, một số bất cập được VECOM chỉ ra, ngoài vấn đề thuế, các sàn TMĐT phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước và trong quá trình vận hành nền tảng đang tạo "gánh nặng" cho các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực.

Ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn khi hội nhập, xuất khẩu. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn vấn nạn hàng giả.