Nông nghiệp Hà Nội sau nới lỏng giãn cách: Vừa làm, vừa ngóng thị trường

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau giãn cách xã hội, hoạt động giao thương buôn bán trên địa bàn TP đã thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng cao, trong khi thị trường không ổn định, lưu thông hàng hóa chưa thông suốt… là những trở ngại để nông dân, hợp tác xã phục hồi sản xuất.

Chi phí sản xuất, logistics tăng cao
Trong thời gian 2 tháng giãn cách xã hội, chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản của Hà Nội bị tác động nặng nề. Thời điểm này, khi TP thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, việc lưu thông, phân phối hàng hóa nông sản trong TP thuận lợi hơn. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, quá trình phục hồi sản xuất cũng như nối liền chuỗi cung ứng đang gặp nhiều áp lực do chi phí tăng cao, thị trường chưa ổn định nên nông dân chưa yên tâm đầu tư sản xuất.
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Yên Hòa Phú (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) Lê Đình Bình cho biết, trước đây, sản phẩm gà và trứng của HTX chủ yếu giao cho các nhà hàng, quán ăn trong nội thành Hà Nội. Mặc dù thời điểm này các nhà hàng, quán ăn được mở cửa trở lại nhưng chỉ bán mang về nên lượng tiêu thụ vẫn chậm. Do đó, việc tiêu thụ gà của HTX vẫn khá khó khăn. Cùng với đó, giá cám liên tục tăng, nguồn con giống hiện cũng khan hiếm và giá cao.
Trước đây, HTX nhập giống gà Mía trên Ba Vì, với giá từ 9.000 - 10.000 đồng/con, nhưng nay tăng lên thành 17.000 - 19.000 đồng/con và phải đặt trước 2 tuần mới có hàng. Đứng trước nhiều khó khăn nên nhiều thành viên của HTX bỏ chăn nuôi, tổng đàn gà giảm 60%.
 Tiêu thụ vịt tại xã Liên Bạt, Ứng Hòa
Tương tự, tại HTX nông nghiệp Hương Ngải hiện cũng đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Theo Giám đốc HTX Nguyễn Đỗ Ban, trước đây sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ vào các bếp ăn tập thể và trường học, nhưng thời điểm này các trường học vẫn chưa hoạt động trở lại, nên HTX không chủ động được kế hoạch tái sản xuất.
Bên cạnh khó khăn về sản xuất, hiện nay việc lưu thông nông sản cũng vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo phản ánh của nhiều DN phân phối và tiêu thụ nông sản, việc nhập hàng hóa từ các tỉnh, thành khác về Hà Nội vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, các tuyến xe khách từ các tỉnh thành chưa vận hành nên hàng hóa vẫn phải chuyển theo đường xe “luồng xanh”, dẫn đến chi phí tăng cao. Trong khi đó, xe vận chuyển nông sản từ trong miền Nam ra Hà Nội dù đã được cấp “luồng xanh” đi lại dễ dàng, nhưng không thể về các bến đỗ hay điểm trung chuyển hàng hóa như trước đó trong khu vực nội thành, do yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Nguyễn Tiến Hưng cho biết, công ty đang nhập rau, củ, quả tươi từ các tỉnh phía Nam (Lâm Đồng, Bến Tre, An Giang…) để phân phối bán buôn và phục vụ hoạt động của hệ thống 5 cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen trong nội thành. Thời điểm trước giãn cách, các xe nông sản của các đơn vị đối tác thường đổ hàng tại bãi đỗ xe tải ở Đền Lừ (quận Hoàng Mai), thì nay phải chuyển sang đổ hàng ở bãi đỗ quận Tây Hồ, thậm chí phải đổ hàng tại điểm ngoài TP như Hưng Yên, Bắc Ninh.
Việc thay đổi liên tục điểm giao nhận hàng khiến DN phải phát sinh các chi phí trong khâu vận chuyển cho 4 xe “luồng xanh” và xét nghiệm PCR cho lái xe và nhân viên giao nhận hàng. “Do việc nhập hàng nông sản từ các tỉnh gặp vướng mắc nên sản lượng phân phối và tiêu thụ của công ty cũng giảm mất khoảng 30% so với thời điểm trước đó. Nếu như bình thường mỗi ngày DN phân phối, tiêu thụ rau, củ, quả các loại với khoảng 20 tấn/ngày thì nay giảm còn 14-15 tấn/ngày. Trong khi đó, các khoản chi phí vận chuyển tăng buộc DN phải tăng giá thành sản phẩm” - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Nguyễn Tiến Hưng chia sẻ.
 Thu hoạch rau tại Hoài Đức
Cần cơ chế linh hoạt cho lưu thông nông sản
Trước những khó khăn về việc lưu thông hàng hóa, ông Nguyễn Tiến Hưng kiến nghị: “TP cần nghiên cứu phương án tháo gỡ khó khăn về logistic, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội. Hiệu quả nhất là bố trí 1 bãi đỗ xe cố định dành riêng cho hàng hóa nông sản; đồng thời bố trí điểm dịch vụ xét nghiệm Covid-19 cố định tại một điểm gần bãi đỗ xe để đội ngũ lái xe chở nông sản từ các tỉnh về xét nghiệm nhanh chóng, thuận tiện”.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện nay, khả năng sản xuất nông nghiệp của TP mới đáp ứng từ 30% - 65% nhu cầu tiêu thụ, tùy từng nhóm nông sản. Với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành liên quan trong hơn 8 tháng qua, Hà Nội đã hỗ trợ 22 tỉnh, TP tiêu thụ nông sản, tổ chức kết nối tiêu thụ thông qua đa dạng các hình thức. Nhờ đó, Hà Nội đã bảo đảm sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường…
Về khâu hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng nông sản, TP ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng hỗ trợ tối đa trong hoạt động vận chuyển hàng hóa của Hà Nội và các tỉnh, TP lưu thông trên địa bàn TP; thường xuyên nắm bắt thông tin khó khăn, vướng mắc của DN sản xuất, phân phối, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn TP về công tác khai thác, vận chuyển hàng hóa; hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu bị đứt gãy, hay thiếu hàng hóa. Thời gian tới, song hành các biện pháp hỗ trợ sản xuất hiệu quả, Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản, bảo đảm quy định về công tác phòng dịch.