Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 năm mở rộng địa giới hành chính:

Nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đổi thay toàn diện

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm hợp nhất, với sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội cùng nhiều chính sách nông nghiệp, nông thôn thông thoáng, sát với thực tế, đã làm đổi thay căn bản, toàn diện ngoại thành Hà Nội.

Nông nghiệp hiện đại, nông thôn khởi sắc

Trong 15 năm qua, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả, đưa nông nghiệp Thủ Đô dẫn đầu cả nước về chuỗi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, tiêu biểu đạt giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh 
Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh 

Điển hình phải kể đến, mô hình phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái đã được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ một số hợp tác xã trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tại các huyện như: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Quốc Oai. Mô hình sinh thái trồng nho hạ đen trồng ở nhiều ở các huyện như: Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Ba Vì… không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm còn thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm tạo sức sống mới cho nhiều địa phương. Cùng với đó, trên địa bàn TP cũng hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thuỷ sản theo hướng VietGAP, an toàn sinh học.

Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết (huyện Ứng Hoà) Cao Thị Thuỷ chia sẻ: “So với làm nông nghiệp truyền thống trước đây, những người nông dân ứng dụng công nghệ đã vơi đi nhiều vất vả. Đơn cử như HTX của chúng tôi, áp dụng gieo trồng toàn bộ bằng máy bay nông nghiệp thông minh đã giúp giảm nhân công lao động, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí. Đơn cử như, 100 mẫu ruộng như hiện tại nếu cấy tay thì phải tầm 500 công lao động, nhưng với máy bay không người lái chúng tôi chỉ mất 5 công. Đó là bước tiến ngoạn mục của ngành nông nghiệp.”

Những tuyến đường bích họa tô thắm cho vẻ đẹp nông thôn mới Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng  
Những tuyến đường bích họa tô thắm cho vẻ đẹp nông thôn mới Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng  

Bà Phạm Thị Luật, ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng chia sẻ, sau khi hợp nhất về Hà Nội, có rất nhiều cơ chế thay đổi, đổi thay cơ chế chính sách của TP, của huyện Đan Phượng đã làm thay đổi diện mạo quê hương Song Phượng. Đáng ghi nhận nhất là hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Phó Chủ tịch UNND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng đánh giá, Đan Phượng được hưởng lợi từ chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của thành phố. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, đã tạo bước phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Trong 15 năm qua, từ nguồn ngân sách của TP, huyện, xã và người dân đóng góp, Đan Phượng đã huy động được 5.700 tỷ xây dựng nông thông mới.

Động lực tái cơ cấu nông nghiệp

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thời gian qua, HĐND Thành phố đã ban hành một số Nghị quyết khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn. Việc triển khai các chính sách của Trung ương, Nghị quyết của HĐND Thành phố đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, một số nội dung của chính sách còn triển khai chậm, bên cạnh đó ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn thấp, các liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn ít.

Để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chương trình 04 của Thành ủy và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 và "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050" và hoàn thành mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới giá trị an toàn, bền vững việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

 

“Với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái gắn với quy hoạch phát triển đô thị, thành phố thông minh. Cùng với đó, là những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp HĐND thành phố thông qua hồi tháng 7/2023 thông qua sẽ tạo động lực mới cho việc phát triển ngoại thành Hà Nội trở thành vùng quê yên bình, đáng sống” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại

Mục tiêu ban hành chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Đảng bộ Thành phố đã đề ra, đáp ứng điều kiện thực tiễn sản xuất nông nghiệp của Thành phố.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường. Góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo…

Nói về định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ ưu tiên nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu; phát triển nông nghiệp du lịch, trải nghiệm, nông nghiệp hữu cơ.