Nông nghiệp thích ứng linh hoạt, tăng trưởng đạt và vượt nhiều chỉ tiêu phát triển

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và PTNT năm 2021; triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành T.Ư, các địa phương và một số tổ chức, doanh nghiệp...

Xuất khẩu vượt mục tiêu, đạt 48,6 tỷ USD
Nhân diện về những khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nắm chắc tình hình, phát hiện điểm nghẽn, chủ động sáng tạo, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khai thông nguồn lực.
Thu hoạch nông sản tại tỉnh Lâm Đồng.
Bộ NN&PNTT từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; lựa chọn những khâu trọng yếu, những giải pháp đột phá để chỉ đạo, điều hành, nhất là việc chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh. 
Tranh thủ các FTAs, tiếp tục chủ động đàm phán với: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… nhằm tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản. Phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối cung cầu và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp…
Từ việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, năm 2021, ngành nông nghiệp và PTNT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu phát triển đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành ước tăng khoảng 2,9%, trong đó, 3 nhóm lĩnh vực chính đều có sự tăng trưởng (nông nghiệp 3,18%, lâm nghiệp 3,85%, thủy sản 1,85%). Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%. Đến hết năm 2021, cả nước có 5.614 xã về đích nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 68,2% tổng số xã trên cả nước). 
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, vượt mục tiêu kế hoạch (42 tỷ USD). Trong đó có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn…
Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, năm 2022, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu hướng tới là xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình rau an toàn tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội). 
Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, Tư lệnh ngành nông nghiệp và PTNT cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trọng tâm là triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các Chiến lược: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. 
Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Cùng với đó, giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với khai thác hải sản.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. 
Năm 2022, Bộ NN&PTNT cũng sẽ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội…
Năm 2021, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng. Đến hết năm 2021, cả nước đã phân hạng và công nhận được 5.320 sản phẩm OCOP, tăng 1,66 lần so với năm 2020. 
Một số chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành nông nghiệp và PTNT: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần