Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mở đầu bài phát biểu tại cuộc làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào chiều 29/9. Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, câu chuyện của tỉnh Sơn La cho thấy sản xuất nông nghiệp là nền tảng, nhưng cần lồng ghép với các mô hình phát triển để gia tăng giá trị. Nếu chỉ đi theo mô hình lúa - cá - vịt truyền thống như trước đây thì khó có thể thành công.
6 khó khăn của nông nghiệp Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, những năm qua, TP đã phát triển được 22 vùng sản xuất rau an toàn; 25 vùng canh tác lúa chất lượng cao; 14 vùng trồng cây ăn quả; 10 vùng sản xuất 10, cây cảnh; 5 vùng canh tác chè chất lượng cao.
Hà Nội cũng đã phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm và 3.660 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, cùng 20 vùng nuôi trồng thuỷ sản an toàn. Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày một được chú trọng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hiện khoảng 25% tổng giá trị các ngành hàng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, phát triển nông nghiệp thời gian qua của Hà Nội vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Hiện nay, một bộ phận người nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Áp lực từ chất lượng môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn chưa đồng đều, mới tập trung vào một số khâu như làm đất, thu hoạch.
Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội hiện còn thấp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, khó tiếp cận; chưa có chính sách đột phá khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ về một số hoạt động hợp tác với Hà Nội, PGS.TS Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tính đến tháng 6/2022, Học viện đã đào tạo riêng cho Hà Nội 14.173 kỹ sư, cử nhân, bác sĩ thú y; 2.348 thạc sĩ và 24 tiến sĩ. Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế Thủ đô nói chung.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với các sở ngành, địa phương của Hà Nội thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng. Riêng giai đoạn 2011 - 2022, Học viện đã thực hiện 630 đề tài khoa học công nghệ các cấp trên địa bàn TP. Nhiều quy trình công nghệ đã được áp dụng rộng rãi và cho thấy hiệu quả tích cực trong nâng cao giá trị cho nông sản Hà Nội.
Trong số này phải kể tới Đề án “Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển đô thị Hà Nội xanh đến năm 2030, định hướng 2050”; Đề án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen vi sinh vật Hà Nội”; Đề án “Quy hoạch, quản lý và phát triển hệ thống cây xanh cảnh quan TP Hà Nội”; Đề tài nghiên cứu “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”…
Khó thành công nếu chỉ phát triển lúa - cá - vịt
Tại cuộc làm việc, các đại biểu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về phát triển nông nghiệp Hà Nội; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa Hà Nội và Học viện, cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
GS.TS Trần Đức Viên - Phó Chủ tịch Thường trực phục trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Hà Nội cần tập trung phát triển những cây trồng - vật nuôi đặc sản. Đầu tư mạnh hơn cho công nghệ và các công đoạn mang lại giá trị kinh tế cao nhất.
“Hà Nội cũng có lợi thế về nhân lực và thị trường. Nhưng vấn đề là Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng thêm những cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh thì khi đó mới mong nông nghiệp phát triển khác biệt…” - GS.TS Trần Đức Viên khuyến nghị.
Ở khía cạnh khác, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Hà Nội nên định hướng loại cây trồng - vật nuôi nào làm được giống thì cố gắng phát triển giống. Sản phẩm nông nghiệp cũng phải tập trung vào chế biến sâu, coi đây là trụ cột trong gia tăng giá trị nông sản. Ngoài ra, Hà Nội hiện cũng có gần 1.700 sản phẩm OCOP; thời gian tới, nên đẩy mạnh gắn phát triển sản phẩm OCOP với du lịch nông nghiệp, làng nghề.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền thẳng thắn nhìn nhận, phát triển nông nghiệp Thủ đô thời gian qua dù đã có nhiều kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Góc nhìn và định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô chưa rõ. Chính vì vậy, những gợi mở phát triển đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để định hình nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn tới.
“Nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội là một khoảng trống lớn khi thanh niên hiện nay có quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Lao động nông nghiệp chỉ còn người già, trung niên, rất dễ an phận với cách sản xuất truyền thống, ngại tiếp thu khoa học kỹ thuật mới. Với nguồn lực lớn, Hà Nội nên có chính sách hỗ trợ đào tạo trong mọi cấp học từ sơ cấp, trung cấp... đến đại học cho thanh niên nông thôn tham gia học trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, thì nông nghiệp Hà Nội tự khắc sẽ có các mô hình đặc sắc”
GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội đang tiếp nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất bộ ngành, Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô. Đây là hai cơ sở pháp lý quan trọng để TP có định hướng cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Nhấn mạnh Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, do đó nông nghiệp Hà Nội cũng cần phát triển khác biệt so với các địa phương khác trên cơ sở vận dụng 3 lợi thế về trí tuệ (nguồn nhân lực), khoa học công nghệ và nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình nông nghiệp cũng cần đổi mới hơn theo hướng liên kết.
“Ngày trước tôi có dịp ghé thăm một nông hộ trồng mận ở Sơn La. Gieo trồng, chăm sóc xong bán được 3.000 đồng/kg, nhưng chi phí thuê thu hoạch thì mất 5.000 đồng/kg. Sau khi tỉnh đưa mô hình du lịch vào phục vụ thăm quan, trải nghiệm hái mận, thì sản phẩm bán được 15.000 đồng/kg…” - ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.
Từ câu chuyện của tỉnh Sơn La, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng sản xuất nông nghiệp là nền tảng, nhưng cần lồng ghép với các mô hình phát triển để gia tăng giá trị; nếu chỉ đi theo mô hình lúa - cá - vịt truyền thống như trước đây thì khó có thể thành công.
Thời gian tới, Hà Nội đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục nghiên cứu xây dựng những mô hình kinh tế nông nghiệp theo các tiểu vùng sinh thái, địa hình. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, thực hiện chuyển giao cho TP ứng dụng vào thực tiễn.
“Hà Nội mong muốn Học viện giống như một ‘căn cứ địa’ cho cuộc cách mạng nông nghiệp của Thủ đô...” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền kỳ vọng.