Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá năm 2016 là năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi phải đối mặt cùng lúc với nhiều rủi ro lớn. Sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của El Nino gây hiện tượng thời tiết cực đoan và những rào cản thương mại mà các thị trường quốc tế đặt ra.Năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo chưa giảm hơn so với năm 2016. Về phía nhu cầu, xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe, cạnh tranh gay gắt với nhiều nước. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi, trong khi các thị trường phát triển dần bão hòa và tăng bảo hộ mậu dịch.
Về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nội địa, thay đổi dân số và đô thị hóa đang chuyển dịch bản chất cân bằng cung - cầu hàng hóa nông sản và thực phẩm nội địa chuyển từ lượng sang chất. Điều này đặt ra rủi ro mất cân đối cung cầu trên thị trường.Trên cơ sở đánh giá về 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực gồm lúa gạo, thủy sản và rau quả, các chuyên gia cập nhật những dự báo mới nhất về thị trường trong mối liên kết chặt chẽ với diễn biến thị trường khu vực, thế giới cũng như động thái đầu tư và định hướng chính sách trong năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng, vượt qua những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe cũng như chống lại cú “sốc” mà thị trường thế giới mang lại cần nâng cao chất lượng chuỗi giá trị. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu, có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lĩnh vực ngành hàng để nâng cao chất lượng.