Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản Việt hút vốn Nhật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng các DN Nhật Bản đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian gần đây đã hứa hẹn năm nay sẽ "được mùa" hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Nhật Bản của cây trái Việt.

Công nghệ Nhật Bản tìm đường đến Việt Nam

"DN Nhật Bản mong muốn kết hợp lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam với công nghệ và kiến thức, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích cho chính các DN của chúng tôi" - đó là chia sẻ của ông Nisaka Yoshinobu - Thống đốc tỉnh Wakayama (Nhật Bản) khi dẫn một đoàn DN Nhật Bản sang Việt Nam vào cuối tuần qua.

Bằng chứng là, trong đoàn DN tỉnh Wakayama lần này có Công ty Công nghệ thực phẩm Tsuno chuyên sản xuất các sản phẩm từ cám gạo. Bà Mayu Aizawa, đại diện Công ty Tsuno bày tỏ mong muốn tìm đối tác Việt Nam thành lập một công ty liên doanh để sản xuất và phân phối các sản phẩm giá trị làm từ cám gạo. "Việt Nam là đất nước lúa gạo, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tiềm năng để phát triển tại đây. Chúng tôi mong muốn chia sẻ bí quyết công nghệ với các DN và người nông dân Việt Nam" - đại diện Công ty Tsuno khẳng định.

 
Thu hái chè tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.  	Ảnh: MINH ĐẠO
Thu hái chè tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: MINH ĐẠO
Hiện nay, Tsuno là một trong những DN hàng đầu thế giới phát triển công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm dầu chế biến từ cám gạo. Công ty này dự định sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tại Long An trong vòng 2 năm tới để vừa tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản, vừa sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có tại địa phương. 

Trong đoàn các DN tỉnh Wakayama cũng có mặt Liên hiệp nông nghiệp Kihokukawakami, giới thiệu công nghệ sản xuất các sản phẩm từ trái hồng không hạt Nhật Bản. Ông Nobuhisa Kitamoto - Giám đốc Marketing của Liên hiệp cho biết, từ hồng không hạt có thể chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: dấm hồng có tác dụng rất tốt với người cao huyết áp, hồng khô Anpogaki làm quà biếu sang trọng... Phía Liên hiệp nông nghiệp Kihokukawakami mong muốn qua chuyến khảo sát thị trường Việt Nam lần này sẽ tìm kiếm được đối tác phân phối tại Việt Nam, đồng thời rất sẵn lòng hợp tác chuyển giao công nghệ chế biến nông sản, nông nghiệp tiên tiến của Nhật Bản cho đối tác Việt Nam.

Trước đó, tháng 10/2014, đoàn DN sản xuất chế biến trà xanh, cà chua, khoai lang, sắn... của tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) cũng đã đến Việt Nam giới thiệu và tìm kiếm đối tác. Khi đó, ông Tomitaro Noguchi - Giám đốc điều hành Công ty sản xuất bột trà xanh Noguchi Tokutaro đã thiết tha bày tỏ ý định hợp tác với nông dân Việt Nam để chế biến lá trà của Việt Nam theo công thức trà Nhật sau khi nhận thấy ở Việt Nam có nhiều vùng trồng cây chè nổi tiếng.

Cần bộ tiêu chuẩn VSATTP

Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, là quê hương của nhiều hoa quả, trái cây ngon. Nhưng vấn đề là, ngay cả người dân Việt Nam cũng chưa hoàn toàn tin tưởng thực phẩm Việt. Tâm lý người dân "sính" mua hoa quả nhập khẩu vẫn còn rất phổ biến. Nhìn ra thực tế này, ông Hideo Okubo - Chủ tịch Tập đoàn Forval (Nhật Bản) đề xuất mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam, đảm bảo về VSATTP. "Khi tạo được lòng tin đối với thị trường nội địa thì chúng ta mới có thế mạnh để xuất khẩu ra nước ngoài" - ông Okubo nói. Forval đang có ý tưởng thiết lập bộ tiêu chuẩn khắt khe về VSATTP Việt Nam, tương tự như ở Nhật có bộ tiêu chuẩn JASS. Những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ đủ tự tin bán ra thị trường và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, do còn chưa hiểu rõ thị trường và hệ thống pháp luật Việt Nam nên giai đoạn này các DN Nhật Bản còn thận trọng trong việc tiếp cận. Một số DN Nhật chỉ chấp nhận giao thương trực tiếp với những DN Việt Nam đã có kinh nghiệm làm ăn với thị trường Nhật. Ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh khẳng định sau giai đoạn tìm hiểu này các công ty Nhật sẽ tiến tới hợp tác toàn diện với các DN địa phương ở Việt Nam. Tin tưởng rằng thời gian tới sẽ có nhiều dự án nông nghiệp được DN hai nước triển khai thành công tại Việt Nam.