Hàng Việt thâm nhập thị trường bán lẻ quốc tế
Tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (sở hữu các thương hiệu siêu thị BigC, Tops Market, GO!) tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Central World (Bangkok, Thái Lan). Tại đây, các doanh nghiệp Việt giới thiệu các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP tham gia kết nối giao thương với các hệ thống phân phối bán lẻ tại Thái Lan để tìm kiếm các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư.
Thực tế cho thấy, thời gian qua mặt hàng nông sản Việt Nam đã thâm nhập nhiều hệ thống siêu thị trên thế giới. Tháng 6/2023, siêu thị AEON Việt Nam tổ chức “xuất ngoại” sản phẩm nông sản Việt Nam như vải, nhãn, chuối, thanh long… tới tất cả siêu thị, cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống AEON tại Nhật Bản và được người tiêu dùng nước này đón nhận.
Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn AEON Nhật Bản Mitsuko Tsuchiya cho hay, đây là lần đầu hệ thống AEON Nhật Bản giới thiệu sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó từ năm 2017 đến năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đã đạt hơn 2 tỷ USD nhưng chủ yếu là sản phẩm thời trang, đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp do doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất.
Theo Bộ Công Thương, sau một thời gian đàm phán Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cho phép từ 6/8 Việt Nam được phép xuất khẩu dừa sang thị trường này. Như vậy, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa, bưởi… quả dừa sọ là loại trái cây thứ 8 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Dự kiến, từ tháng 9/2023, quả dừa Việt Nam cũng sẽ được đưa vào danh mục trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Với việc Mỹ và Trung Quốc đồng loạt “mở cửa” nhập khẩu mặt hàng này, quả dừa Việt Nam đang có cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu và sớm sẽ trở thành loại trái cây xuất khẩu tỷ USD.
Tuân thủ quy định chất lượng “chìa khóa” khai thác lâu dài
Các thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản đều là những thị trường rất "khó tính", có chế tài xử phạt nặng với sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng được quy định chất lượng. Vì vậy, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu đều khuyến cáo, "chìa khóa" quan trọng nhất để khai thác hiệu quả, lâu dài các thị trường là tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà đối tác đặt ra, đảm bảo sản xuất bền vững.
Thực tế, hoạt động đàm phán xuất khẩu mặt hàng nông sản cho thấy, thời gian đàm phán để cơ quan chức năng 2 nước đi đến thoả thuận về việc xuất khẩu nông sản có thể lên tới 10 năm. Chẳng hạn, quả vải tươi xuất khẩu vào Australia mất 11 năm, đưa xoài vào thị trường Mỹ tiêu thụ mất 10 năm.
Mặc dù mất nhiều năm để đàm phán, thế nhưng sau khi được xuất khẩu chính ngạch, nhiều địa phương đã ồ ạt trồng, thu mua, xuất khẩu trong khi chỉ cần một vài lô hàng không đúng với yêu cầu thì cũng có thể bị tạm dừng xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được “bài học” này khi đầu năm 2022, Nhật Bản tạm dừng nhập khẩu xoài do một số doanh nghiệp xuất khẩu đóng gói nhầm xoài khác loại vào lô xoài Cát Chu của Việt Nam trong khi quốc gia này chỉ cho phép nhập khẩu loại xoài này. Mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phát đi cảnh báo sản phẩm sầu riêng, xoài, nhãn Việt vi phạm kiểm dịch thực vật.
Nguyên nhân là do các địa phương không kiểm tra hoặc không tuân thủ quy trình dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu chất lượng những vẫn cho phép xuất khẩu.
“Điều này có thể dẫn đến việc bị các nước nhập khẩu áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ các mặt hàng nông sản Việt Nam”-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) Tạ Hoàng Linh cảnh báo.
Để thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam phát triển bền vững, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng: doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu phải công khai, minh bạch, không khai gian lận, mượn mã số vùng trồng để xuất khẩu... Nếu bị phát hiện thì hệ lụy rất lớn, thậm chí bị hủy tư cách xuất khẩu, khi đó không chỉ một doanh nghiệp chịu thiệt hại mà cả ngành hàng đó sẽ bị ảnh hưởng xấu về uy tín.
“Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải giữ chữ tín và coi là một trong những điều kiện tiên quyết trong xuất khẩu nông sản thông qua hệ thống bán lẻ” - ông Thành nêu rõ.
Để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, tất cả các đơn vị tham gia hoạt động này từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi mới có thể thành công.
Trong đó, người nông dân cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…để đạt các chứng nhận về sản xuất mà nước nhập khầu. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, tập trung vào việc đảm bảo chất lượng từng lô hàng chứ không chạy theo số lượng khi chưa xây dựng được các vùng nguyên liệu.