Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nóng: Sạt lở đất ở Quảng Nam, 53 người mất tích, tìm được 7 thi thể, lập Sở Chỉ huy tiền phương

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 22 giờ tối nay 28/10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam và các ngành đang họp khẩn về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng (Nam Trà My) vùi lấp hàng chục người.

 Để khẩn trương cứu hộ cứu nạn vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý thành lâp Sở Chỉ huy tiền phương do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trực tiếp chỉ huy.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5 đêm 28/10 tại trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo và một lãnh đạo Quân khu 5 là cấp phó.
Thông tin về vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng cho biết sự cố xảy ra tại hai thôn là thôn 1 xã Trà Leng và thôn 1 xã Trà Vân. "Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, đã vùi lấp nhiều người," Phó Thủ tướng nói. 
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện đã có thông tin ban đầu về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Trà Leng, tuy nhiên từ trung tâm xã đến hiện trường có ít nhất 3 điểm sạt lở nên chưa thể tiếp cận.
Cụ thể, tại thôn 1 xã Trà Leng, sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Còn tại thôn 1 xã Trà Vân, có 8 người bị vùi lấp.

Theo Phó Thủ tướng, một số sự cố có thể lường trước được nhưng riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi rất khó đoán định. "Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy", Phó Thủ tướng chia sẻ.
 Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, các lực lượng, Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 rất chủ động tập trung xây dựng phương án khẩn trương tìm kiếm, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tìm kiếm sẽ khó khăn do địa bàn xảy ra sự cố rất phức tạp, đi lại khó khăn. Hơn nữa, mưa lũ kéo dài cộng với cơn bão số 9 vừa rồi tác động rất mạnh, làm sạt lở đất tại nhiều khu vực.

"Đường đi vào để tìm kiếm cứu nạn rất khó, phải tập trung lực lượng, thiết bị, chỉ huy hậu cần với phương châm 4 tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ này", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm", Phó Thủ tướng quán triệt.
Khẩn trương cứu hộ nạn nhân bị sạt lở đất tại Quảng Nam
Cũng ngay trong đêm 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công điện khẩn về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Leng, Nam Trà My. Công điện gửi tới Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5; UBND tỉnh Quảng Nam.
Nội dung công điện như sau: Tối ngày 28/10/2020, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông tin mới nhất lúc 23 giờ đêm nay là đã tìm thấy 7 thi thể.

Cũng tại Nam Trà My, lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày 28/10, một ngọn núi bất ngờ sạt lở khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống trung tâm Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khiến nhiều ngôi nhà cùng tài sản của người dân bị vùi lấp. Có 4 người bị vùi lấp nhưng đã thoát ra được. Sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền huyện Nam Trà My đã sơ tán khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 9, từ 9h ngày 28/10, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có gió mạnh từ cấp 8-10. Tổng lượng mưa bình quân từ 150-300 mm. Mưa lớn khiến mực nước một số trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh liên tục dâng cao: Trên sông thu Bồn ở thành phố Hội An là 0,96 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m; trên sông Tam Kỳ ở thành phố Tam Kỳ là 0,82 m, cao hơn báo động 1 là 0,82 m; trên sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc là 6,54 m, cao hơn báo động 1 là 0,04 m.


Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam vào tối nay 28/10, hiện nay đã có 1 người dân tử vong do sạt lở tại huyện Nam Trà My, 2 người mất tích trong một vụ sạt lở núi ở huyện Phước Sơn, ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 5 người bị thương.

Tất cả địa phương ven biển có nhà bị hư hại rất lớn, tuy nhiên do hiện nay hệ thống thông tin liên lạc, điện chưa được khắc phục nên chưa thể thống kê cụ thể số lượng. Ngoài ra, tại Phước Sơn có 13 nhà bị sạt lở vùi lấp, 14 nhà tốc mái. Bắc Trà My và Nam Trà My cũng xảy ra tình trạng tốc mái ở 16 nhà dân, rất nhiều công trình trường học, công tình công cộng, cơ sở kinh doanh bị hư hỏng.

Hệ thống cây xanh ngã đổ do bão khá lớn, hiện chưa thể thống kê cụ thể. Bão số 9 cũng làm các tuyến quốc lộ, ĐT, ĐH, ĐX sạt lở tại nhiều vị trí gây ách tắc giao thông. Bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) tiếp tục bị sạt lở khoảng 2.500m. Hệ thống đê ngăn mặn ven biển bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí, gây ảnh hưởng đến khả năng ngăn mặn, sản xuất nông nghiệp của các địa phương ven biển.

Có 3 tàu ở xã Tam Hải (Núi Thành) bị chìm. Ngoài ra còn có nhiều thiệt hại về dân sinh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật... chưa được kiểm tra, đánh giá, tổng hợp. Ước thiệt hại sơ bộ khoảng 1.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Công ty Điện lực Quảng Nam, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổ chức khắc phục hệ thống điện, hệ thống viễn thông, đảm bảo giao thông bước 1 để đảm bảo phục vụ dân sinh. Chính quyền địa phương, các hội đoàn thể và lực lượng vũ trang tập trung khắc phục thiệt hại về dân sinh để sớm ổn định đời sống nhân dân.