Nông thủy sản: Khó trong, khó ngoài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường XK thu hẹp, giá không tăng, cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước khác, cộng thêm với việc bị “bó” chân bởi một số quy định mới nên hàng nông sản, thủy sản đang rơi vào tình thế rất khó khăn. Đã đến lúc cần có các biện pháp để “cứu” ngành hàng này.

Khó trong

Thủy sản là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng khá tốt, thậm chí tăng gần 30% về kim ngạch trong 5 tháng đầu năm 2014. Thế nhưng ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) lại cho rằng “sức khỏe” của DN vô cùng yếu bởi những khó khăn từ bên trong. Dẫn chứng cho điều này, vị đại diện của VASEP cho hay, Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK của Bộ NN&PTNT có một số quy định đang “bó” chân DN. Cụ thể, theo thông lệ quốc tế, khi nhà máy chế biến thủy sản được Liên minh châu Âu (EU) cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm thì DN sẽ tự quản lý chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn còn cơ quan Nhà nước chỉ thẩm tra xem DN làm có tốt không. Tuy nhiên, Thông tư 48 mới ra được hơn 5 tháng nhưng tần suất kiểm tra đối với DN lại nhiều hơn, gây phiền hà và tốn chi phí cho DN.
Nguồn Internet
Nguồn Internet
Hoặc như Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20-6) nhưng hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Ông Dũng ví dụ, hiện nay thức ăn cá tra chiếm tới 80% giá thành sản xuất. Trong quá trình xây dựng Nghị định về cá tra (cách đây 2 năm) đã có sự đóng góp ý kiến của các DN thủy sản nhưng trong Nghị định lại không có một chữ nào liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, thức ăn cho cá tra đang bị thao túng bởi các tập đoàn đa quốc gia. Hơn nữa, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cần phải kiểm soát cả chuỗi chứ không chỉ sản phẩm cuối cùng. Hiện nay, cơ quan quản lý chỉ kiểm soát với tần suất lớn vào các sản phảm cuối cùng của con cá tra nhưng các khâu khác như dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… lại bị bỏ ngỏ. “Rất mong cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản cần đồng hành cùng DN và thương DN hơn nữa”, ông Nguyễn Hữu Dũng kiến nghị.
Cùng chung quan điểm trên, bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, khó khăn bên trong của ngành này hiện không hề nhỏ. Theo đó, một số chính sách thuế hiện đang gây khó khăn cho DN. Cụ thể, thuế XK mặt hàng cao su hiện vẫn bị áp mức 1% cho một số chủng loại, khiến các hộ trồng cao su giảm diện tích trồng những loại này. Điều này gây khó khăn cho DN trong việc đa dạng hóa sản phẩm. “Cao su cũng là sản phẩm cây trồng nông nghiệp. Hơn nữa, hiện khoảng 50% sản lượng cao su là do các hộ nông dân tiểu điền trồng, do đó ngành cao su cũng nên được hưởng ưu đãi công bằng như các ngành sản xuất nông nghiệp khác”, bà Hoa nói.

Khó ngoài

Không chỉ gặp khó khăn với các chính sách đã, đang thực hiện, các DN trong ngành nông nghiệp còn phải đối diện với những khó khăn từ thị trường bên ngoài. Theo thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 8,92 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15,2% trong tổng kim ngạch XK của cả nước. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là tình hình XK của nhóm hàng này trong tháng 5 đã giảm 8,2% so với tháng 4, trong đó có một số mặt hàng nông sản như chè, gạo, sắn… giảm mạnh. Đặc biệt, xuất siêu của ngành nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2014 có xu hướng giảm dần, đạt 3,56 tỷ USD, giảm so với 3,73 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của một vị lãnh đạo Bộ Công Thương, nguyên nhân của vấn đề trên xuất phát từ việc tiêu thụ ở một số thị trường lớn là đối tác kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế chưa được khắc phục triệt để, nhu cầu tiêu dùng không nhiều. Nhưng quan trọng hơn, áp lực về cạnh tranh giữa hàng Việt Nam với các nước ngày càng gay gắt khiến việc mở rộng thêm các thị trường và tăng quy mô XK rất khó khăn trong khi khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng trong nước vẫn còn chưa đạt được yêu cầu.

Thêm vào đó, một số quốc gia có xu hướng quay trở lại việc bảo hộ mậu dịch bằng việc dựng lên các rào cản trá hình trong đó có cả hàng rào phi thuế quan, nhất là các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như nông sản, thủy sản. “Ðây là khó khăn lớn đối với các DN XK nông sản, thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh việc quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất và chế biến chưa được chặt chẽ, đồng bộ”, người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến cho các sản phẩm nông nghiệp XK giảm là do hầu hết các sản phẩm nông, thủy sản hiện nay đều là sản phẩm thô và có giá trị thấp. Chiến lược XK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ định hướng đối với nhóm hàng nông, thủy sản là “dịch chuyển cơ cấu hàng xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh”. Tuy nhiên, do các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo… còn chưa đồng bộ và nhất quán nên việc chuyển dịch cơ cấu theo định hướng nêu trên còn chậm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, các bộ, ngành đã nhận diện được những khó khăn của ngành hàng nông sản, thủy sản nhưng chúng ta chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Hiện nay, giá XK của các mặt hàng nông sản khó có thể tăng được. Do vậy, đây là thời điểm mà các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn để hàng nông sản, thủy sản phát triển bền vững, ổn định.